Một vấn đề khá thường xuyên xảy ra ở bể cá cảnh là bể bị thiếu Oxy. Nếu để tình trạng này kéo dài thì cá sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí cả đàn cá của bạn có thể sẽ ra đi chỉ trong một đêm.
Bể cá có thể bị thiếu oxy rất nhanh nếu có gì không ổn xảy ra và dấu hiệu sẽ khó nhận biết hơn bạn nghĩ.
Một số dấu hiệu để nhận biết cá cảnh bị thiếu oxy là:
- Cá bơi và cố đớp oxy ở mặt nước
- Cá bơi chậm hơn
- Mang cá hoạt động mạnh
Nguồn cung cấp oxy cho bể cá
Nguồn oxy cho cá sử dụng đến từ không khí xung quanh bể. Bể cá sẽ liên tục trao đổi không khí với môi trường xung quanh tại mặt nước. Bể cá có bề mặt nước càng lớn thì khả năng lấy oxy từ môi trường càng cao. Đó là lý do bạn nên nuôi những bể cá rộng thay vì bể cá cao.
Ngoài ra mặt nước động cũng giúp cho quá trình trao đổi không khí diễn ra hiệu quả hơn. Những khu vực nước tù đọng sẽ nghèo oxy. Mặt khác, sông suối chảy mạnh sẽ có nhiều oxy hơn. Đó cũng là lý do sử dụng bộ lọc tốt, làm động mặt nước cũng giúp cho bể cá của bạn tránh tình trạng thiếu hụt oxy.
Một nguồn cung cấp oxy khác cho bể đó là máy sục. Máy sục oxy có hai chức năng chính. Một là gia tăng hoạt động ở bề mặt bể cá. Hai là lấy không khí từ môi trường, bơm vào bể thông qua những bong bóng nhỏ li ti. Từ đó giúp việc hấp thụ oxy trong nước diễn ra tốt hơn. Thông thường, nếu bạn không nuôi quá nhiều cá thì bạn không cần phải sử dụng đến sục khí. Tuy nhiên, có một số trường hợp bạn bắt buộc phải nuôi nhiều cá, ví dụ như là bể cá ali, thì sục khí sẽ là thiết bị không thể thiếu.
Nguyên nhân khiến cho bể cá bị thiếu oxy
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến cho bể cá của bạn bị thiếu oxy, cụ thể như:
- Nuôi quá nhiều cá trong bể
- Mặt nước bể quá tĩnh
- Chất thải tích tụ trong bể cá
- Ánh sáng bể yếu
- Sử dụng thuốc hoặc các chất hóa học khác
Nuôi quá nhiều cá trong bể – Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho cá chết. Khi nuôi quá nhiều cá thì đương nhiên là chúng sẽ cần nhiều oxy hơn. Nếu không có sủi oxy thì cá sẽ sớm bị ngạt và ra đi rất nhanh.
Xem thêm: Nên nuôi bao nhiêu cá trong bể thủy sinh
Mặt nước quá tĩnh – Như đã nhắc đến bên trên. Nguồn oxy chủ yếu trong bể cá là được lấy từ môi trường xung quanh thông qua mặt nước. Khi mặt nước quá tĩnh thì lượng oxy trao đổi sẽ bị giảm đi nhiều. Cộng với việc bể của bạn nuôi nhiều cá thì chúng sẽ nhanh chóng sử dụng hết lượng oxy trong nước, từ đó dẫn đến tình trạng cá bị ngạt khí.
Chất thải tích tụ – Khi bạn cho cá ăn quá nhiều, thức ăn thừa cho cá và phân cá có thể tích tụ nhiều trong bể, sau đó sản sinh ra ammonia. Khi đó các loại vi khuẩn hiếu khí sẽ sử dụng oxy để có thể chuyển hóa ammonia thành nitrate và rồi thành nitrite. Quá trình này được gọi là quá trình nitơ hóa, có thể giúp xử lý được các chất độc hại trong bể. Mặt khác, quá trình này cũng có thể gây thiếu hụt oxy trong bể nếu chất thải hữu cơ trong bể cá quá nhiều. Bạn cần phải chăm chỉ thay nước bể cá, tốt nhất là 10-15% lượng nước một tuần. Sau mỗi lần thay nước, bạn nên châm thêm vi sinh để hệ vi sinh ổn định hơn.
Bể cá thiếu ánh sáng – Cây thủy sinh và rêu trong bể cũng quang hợp và hô hấp như mọi loài cây khác. Khi có ánh sáng thì cây sẽ hấp thụ CO2 và sản sinh ra O2. Khi bể tối, quá trình này sẽ diễn ra ngược lại. Lúc đó cây thủy sinh, bao gồm cả rêu và tảo sẽ lấy oxy trong nước để hô hấp. Bạn có thể tăng thời gian chiếu sáng vào ban ngày để giúp tăng hàm lượng oxy trong nước. Bạn có thể sử dụng ổ cắm hẹn giờ để có thể kiểm soát thời gian chiếu sáng tốt hơn.
Bạn sử dụng thuốc hoặc các chất hóa học khác – Một số loại thuốc chữa bệnh cho cá hoặc điều chỉnh độ pH cũng có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ oxy trong nước. Nếu bạn cần phải chữa bệnh cho cá thì tốt nhất là chữa cá trong bể riêng, bạn cũng có thể sử dụng thêm sủi oxy để đảm bảo nồng độ oxy an toàn cho chúng.
Dấu hiệu cá bị thiếu oxy
Thông thường, khi cá bị thiếu oxy thì chúng sẽ có biểu hiện theo ba giai đoạn.
Đầu tiên là cá sẽ hoạt động ít đi. Chúng sẽ bơi ít hơn và cũng bắt đầu ăn ít đi. Nếu bể của bạn nuôi các loài cá ít hoạt động như là cá lau kính, cá betta, .. thì dấu hiệu này sẽ càng khó nhận biết.
Khi mức oxy giảm xuống mức thấp hơn, cá sẽ bắt đầu cố gắng để lấy không khí hơn. Bạn sẽ thấy mang của chúng hoạt động mạnh hơn, để giúp có thể đẩy nước qua nhiều hơn và lấy oxy.
Cuối cùng, cá sẽ liên tục cố gắng lấy không khí từ mặt nước. Khi thấy cá có biểu hiện này thì bạn cần phải hành động nhanh. Cách tốt nhất là thay khoảng 30-50% lượng nước trong bể. Lý do là bởi nước mới sẽ chứa nhiều oxy hơn.
Cách cứu cá bị thiếu oxy
Khi thấy cá bị thiếu oxy, bạn phải cấp cứu nhanh. Đầu tiên, như đã nhắc đến bên trên, bạn hãy thay từ 30-50% lượng nước trong bể để cá có nguồn oxy tạm thời.
Nếu có máy sủi thì bạn hãy ngay lập tức sử dụng cho bể.
Nếu không có máy sủi thì bạn cũng có thể sử dụng một cốc nước và rót từ trên cao xuống để tạm tạo oxy hòa tan cho nước cho cá.
Đó là cách giải quyết tạm thời, nếu trước đó cá bạn vẫn sống bình thường thì tức là có gì không ổn đã xảy ra. Có thể là do bể của bạn bị tích tụ chất thải. Trong trường hợp này bạn cần phải sử dụng bộ lọc tốt, thay nước bể thường xuyên hơn.
Hoặc mặt nước bể của bạn quá tĩnh/ bạn vừa sử dụng thuốc để chữa bệnh cho cá / Bạn nuôi quá nhiều cá trong bể/ Bạn lâu không bật đèn cho bể cá.
Bạn hãy để ý kỹ xem nguyên nhân nào có thể gây thiếu hụt oxy cho cá trong các nguyên nhân trên để có thể giải quyết ở phần gốc, tránh tình trạng này tiếp tục tái diễn.
Trong thời gian tìm hiểu nguyên nhân thì bạn cũng có thể mua một chiếc máy sủi để dùng tạm. Máy sủi là loại thiết bị phổ biến nên bạn có thể dễ dàng tìm mua ở bất kì cửa hàng cá cảnh nào.
Xem thêm: Cách tạo oxy cho cá không cần máy
Cá thiếu oxy bao lâu thì chết?
Con người không thể sống nếu nhịn thở nhiều hơn 4-6 phút. Vậy còn cá thì sao?
Cá cũng không thể sống lâu trong môi trường nghèo oxy. Tùy thuộc vào sức khỏe, tuổi thọ và loài, cá có thể sống trong khoảng vài phút cho đến vài tiếng trong môi trường thiếu oxy.