
Chọn đúng loại phân nền và trải đúng cách có thể giúp cho bạn nâng tầm bể thủy sinh của mình. Thông thường thì trải phân nền khá dễ nếu bạn chỉ định làm một bể thủy sinh đơn giản. Bạn chỉ cần đổ nền vào và trải đều là được.
Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng đơn giản như vậy. Nhiều loại bể thủy sinh sẽ có thể sử dụng hai hoặc nhiều loại nền hơn. Thông thường thì bể thủy sinh sẽ kết hợp hai loại nền đó là nền trơ như là sỏi, cát và phân nền thủy sinh có chứa dưỡng.
Phần đằng trước nền sẽ được rải sỏi, cát để trang trí, trong khi đó đàng sau sẽ được rải phân nền để có thể trồng cây.
Dưới đây là các bước để bạn có thể trải nền bể thủy sinh và chăm sóc cho chúng.
Bạn nên sử dụng loại nền nào?
Có nhiều loại nền khác nhau, có thể kể đến là: cát, sỏi, sạn suối, phân nền,…
Với mỗi loại thì sẽ có một ưu nhược điểm riêng. Ví dụ, nếu bạn muốn trồng cây thủy sinh thì bạn cần phải sử dụng loại nền có dưỡng cho cây và có thể giúp cây dễ dàng phát triển rễ, ví dụ như là các loại phân nền chuyên dụng.
Ngoài ra, nếu bạn nuôi nhiều loài kiếm ăn tầng đáy thì bạn nên sử dụng nền hạt nhỏ như là cát để mô phỏng môi trường sống tự nhiên của cá và giúp chúng kiếm ăn dễ hơn.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng kết hợp nhiều loại nền khác nhau như mình hướng dẫn thêm bên dưới.
Bạn cần phải nghiên cứu kỹ trước loại nền định mua và làm bởi khi đã trồng cây, đổ nước và thêm cá thì thay nền sẽ vô cùng khó.
Cách trải nền phẳng đơn giản
Một khi bạn đã xác định được loại nền định dùng thì bước tiếp theo chỉ là xác định lượng nền để trải mà thôi.
Thông thường thì bạn cần trải nền có độ dày khoảng 4-7 cm tùy vào kích thước của bể. Nền bể dày sẽ giúp cây phát triển rễ tốt hơn. Mặc dù không có giới hạn lượng nền bạn có thể sử dụng, bạn vẫn cần nhớ:
- Nền càng dày thì bạn càng có ít không gian cho đồ trang trí, cây và cá
- Khi bạn cần hút cặn đáy bể thì bộ nền dày sẽ khó dọn về sinh hơn
- Nền quá dày thì nhìn sẽ bị xấu, mất cân bằng
Bước tiếp theo là bạn đổ đều phân nền quanh bể. Sau đó bạn có thể dùng tay hoặc là cái thước kẻ bé để quét đều cho lớp nền phẳng ra là được.
Thông thường thì nếu chỉ sử dụng một loại nền, không có vật chắn thì bạn sẽ rất khó để tạo dốc. Khi tạo dốc thì về sau lớp nền sẽ dần dần tự trôi xuống và phẳng dần.
Mình không thích dải hai lớp nền lên phía trên nhau lắm. Lý do là bởi sau này khi muốn nhổ cây hoặc trồng thêm cây thì hai lớp nền này sẽ bị lẫn vào nhau. Nếu như bạn dùng hai lớp có màu khác nhau thì khi bị lẫn chúng sẽ nhìn rất xấu.
Cách trải phân nền kết hợp

1. Đặt vật chắn
Nếu bạn chỉ muốn dùng một loại nền và trải nền phẳng
Nếu bạn muốn sử dụng nhiều loại nền thì bạn cần phải có vật để chắn, không để cho các loại nền bị lẫn vào nhau, nhìn sẽ bị xấu.
Thông thường thì khi làm bể, chúng ta sẽ sử dụng đá, sỏi để tạo phần chắn. Khi làm bể thì đầu tiên bạn hãy xác định khu vực để trồng cây, đặt đá trước đã.
Thông thường thì phân nền sẽ được đổ ở phía sau, với độ cao giảm dần. Đá sẽ được đặt đằng trước để ngăn không cho phân nền bị đổ xuống phía trước.
2. Lấp lỗ thủng
Mặc dù đặt lớp chắn có thể ngăn phân nền không bị đổ xuống, đôi khi phân nền vẫn có thể len qua khu vực kẽ hở ở giữa các tảng đá. Bạn cũng sẽ khó có thể nhét đá sao cho chúng vừa khít và không để lại khe hở được.
Bạn có thể bít khe đá lại bằng cách dùng bông lọc thủy sinh. Bông lọc là loại vật liệu lọc cơ học, thường được dùng để lọc cặn và bụi bẩn trong bể. Do đó chúng là loại vật liệu trơ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng nước trong bể.
Bạn nên xếp đá, bít khe xong rồi mới đổ chất nền. Bạn nên bít khe ở phía đằng sau hoặc là bạn có thể đổ keo lên bông lọc rồi sau đó rắc cát lên để che bông đi cũng được.
3. Đổ nền
Sau khi đã setup đầy đủ thì bước cuối cùng là đổ phân nền. Ở phía đằng sau bạn hãy đổ phân nền với độ cao giảm dần. Phần phân nền này sẽ được sử dụng để trồng các loại cây hậu cảnh mọc cao.
Phía trước bạn có thể rắc một lớp nền cát hoặc sỏi mỏng. Nếu bạn muốn trồng cây đằng trước thì bạn hãy rắc cát/ sỏi dày hơn một tẹo, vào tầm khoảng hơn 3cm.
Cách để cố định lớp nền
Bạn có thể cố định lớp nền bằng cách trồng nhiều cây thủy sinh. Giống như các loại cây ở trên cạn. Khi cây mọc rậm, hệ thống rễ của chúng có thể giúp đất không bị sói mòn. Cây thủy sinh cũng như vậy. Hệ thống rễ của chúng sẽ cắm sâu, giúp cố định nền và giúp nền không bị trối đi. Bạn có thể sử dụng các loại cây tiền cảnh với bộ rễ tốt để làm vậy.
Các loại cây tốt có thể kể đến là cỏ thìa, tiêu thảo, cỏ đậu nành, trân châu ngọc trai,…