Máy lọc là thiết bị không thể thiếu trong tất cả mọi bể thủy sinh. Để chúng có thể hoạt động hiệu quả thì việc hiểu về vật liệu lọc và cách sắp xếp chúng là tương đối quan trọng. Vậy bạn nên sắp xếp vật liệu lọc như thế nào?
Đối với tất cả các loại lọc tràn trên, tràn dưới hay các loại lọc khác thì bạn đều có thể sắp xếp theo một cách như sau:
Theo chiều của dòng nước thì ngăn đầu tiên của lọc nên là vật liệu lọc cơ học (bông lọc, bùi nhùi), sau đó đến vật liệu lọc sinh học (matrix, neo, sứ lọc,… tức là các vật liệu lọc cung cấp nơi sống cho vi sinh có lợi), rồi cuối cùng là vật liệu lọc hóa học (than hoạt tính).
Tại sao lại sắp xếp theo cách này?
Vật liệu lọc hóa học nên được xếp ở cuối cùng bởi vì chúng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của vi sinh có lợi. Cụ thể hơn là than hoạt tính có thể hấp thụ một số loại chất thải và chất độc như là ammonia – thức ăn cần thiết để vi sinh có lợi có thể sống và sinh sôi.
Vật liệu sinh học là những loại đá, gốm,… có bề mặt nhám, tạo nơi sống cho vi sinh vật có lợi, giúp khử ammonia và nitrite trong hồ cá. Chức năng chính của lọc không giống như mọi người nghĩ, đó không phải là để lọc bụi bẩn, chất thải mà lọc chủ yếu dùng để khử ammonia cũng như nitrite trong bể. Đó là lý do bạn nên có 60-70% vật liệu lọc trong lọc là vật liệu lọc sinh học.
Những lỗ nhỏ trong vật liệu lọc sinh học sẽ dễ dàng tắc nếu phải lọc quá nhiều chất thải, bụi, thức ăn thừa. Từ đó có thể gây chết vi sinh. Vậy nên trước khi nước đi qua vật liệu lọc sinh học thì phải được lọc trước qua vật liệu lọc cơ học. Đó là các loại bùi nhùi và bông lọc, dùng để lọc cặn lớn và bé trong nước.
Vật liệu lọc cơ học có tác dụng gì?
Vật liệu lọc cơ học là các loại bông lọc (lazada), mút lọc (lazada), dùng để cản lại cặn bẩn, thức ăn thừa, bụi trong bể cá để giúp cho bể trong hơn. Các loại chất thải hữu cơ không được dọn dẹp trong bể sẽ sản sinh ra ammonia – chất vô cùng độc đối với cá.
Vật liệu lọc cơ học có nhiều loại với kích thước lỗ, độ xốp khác nhau. Bạn nên sử dụng mút lọc có lỗ lớn đầu tiên để lọc các loại cặn lớn. Sau đó là loại bông lọc mịn để cản các loại cặn bé hơn, tránh việc làm tắc vật liệu lọc sinh học.
Nếu bể của bạn thỉnh thoảng bị đục, một trong những nguyên nhân chính có thể là do bụi đất hoặc là cặn từ các loại chất thải sinh học. Cách để xử lý vấn đề này là sử dụng bông lọc thủy sinh mịn. Loại bông lọc được thiết kế để có thể lọc được những loại cặn nhỏ nhất, giúp làm nước trong. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà bông lọc mịn sẽ nhanh bị bẩn và cần phải rửa/ thay mới thường xuyên hơn.
Vật liệu lọc sinh học có tác dụng gì?
Vật liệu lọc sinh học là nơi góp phần lớn nhất trong việc thiết lập quá trình cycle bể cá.
Có 3 chất liên quan đến quá trình cycle, đó là ammonia, nitrite và nitrate. Quá trình cycle sẽ chia ra làm 3 giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu tiên, khi mới làm bể, lượng ammonia từ phân nền hoặc các loại hợp chất hữu cơ sẽ tăng cao và vi khuẩn có lợi sẽ phát triển để tiêu thụ lượng amonia đó và sản sinh ra nitrite.
Ở giai đoạn thứ hai, khi nitrte tăng cao, một loại vi khuẩn có lợi nữa sẽ bắt đầu tiêu thụ nitrite và sản sinh ra nitrate. Hai loại chất ammonia và nitrite có khả năng gây hại cho cá và các loại sinh vật thủy sinh khác nhưng nitrate thì không nếu ở số lượng ít.
Ở giai đoạn thứ ba, cây cối thủy sinh sẽ sử dụng nitrate làm nguồn nitơ để có thể phát triển.
Các loại vi sinh có lợi cần phải có nhiều bề mặt, dòng chảy và nước giàu oxy để có thể phát triển và xử lý được ammonia, nitrite. Nơi trú ngụ tốt nhất cho vi sinh có lợi là trong vật liệu lọc sinh học.
Loại vật liệu này cũng đa dạng, bạn có thể sử dụng gốm lọc hoặc tốt hơn là vật liệu lọc matrix (lazada), vật liệu lọc neo (lazada),…
Vật liệu lọc hóa học có tác dụng gì?
Vật liệu lọc hóa học có tác dụng hấp thụ các chất có hại trong nước, giúp cho nước sạch, trong và không có mùi. Loại vật liệu hóa học phổ biến nhất là than hoạt tính (lazada). Bạn không nhất thiết phải sử dụng vật liệu lọc hóa học trong bể cá. Nếu bể cá được chăm sóc tốt, cycle đầy đủ thì nước sẽ sạch, ổn định và không cần phải được xử lý thêm. Tuy vậy, có vật liệu lọc hóa học thì sẽ giúp cá không bị ngộ độc các chất gây hại trong một số tình huống xảy ra.
Bạn cũng cần lưu ý là vật liệu lọc hóa học cũng có thể hấp thụ thuốc. Đó là lý do bạn cần phải cho cá ra bể riêng nếu muốn chữa bệnh, hoặc là tạm thời bỏ vật liệu lọc hóa học ra ngoài.
Vật liệu lọc hóa học không thể hoạt động được mãi, bạn cần phải thay mới mỗi 6 tháng – 1 năm một lần.