Một ngày nọ bạn có thể phát hiện thấy trên người cá xuất hiện những đốm đen nhỏ và không biết tại sao. Nguyên nhân bệnh là gì? Liệu căn bệnh này có nguy hiểm không? Dù nhiều người hay gọi là nấm đen nhưng thực chất căn bệnh này bị gây ra bởi sán kí sinh. Căn bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng có thể khiến cá gặp khó khăn bơi lội, gây stress và có thể làm chết cá nếu bệnh trở nặng.
Trong bài viết này mình sẽ viết về nguyên nhân, cách chữa trị và phòng tránh cá cảnh bị bệnh nấm đen.
Nấm đen là gì?
Nấm đen hay bệnh đốm đen thường bị gây ra bởi ấu trùng của một loại sán ký sinh thuộc chi Neascus (Cercaria và Metacercaria). Khi sán kí sinh trên cá, chúng sẽ chui sâu vào da, tạo ra một nang. Quanh vùng da nơi kí sinh trùng sống, da và cơ của cá sẽ hình thành sắc tố đen. Khi đó trên người cá sẽ xuất hiện những đốm nhỏ màu đen, thường chỉ nhỏ khoảng 1mm, tương đương với kích thước hạt muối.
Đốm đen sẽ dễ quan sát hơn trên người cá sáng màu. Căn bệnh này ít khi gây nguy hiểm cho cá. Tuy nhiên, giống như các căn bệnh ngoài da khác, nấm đen hay đốm đen sẽ làm cá khó chịu, đôi khi có thể khiến cá cọ người vào các vật quanh bể hoặc có thể làm nhớt trên người cá gặp vấn đề.
Biểu hiện của bệnh nấm đen
Thông thường bạn có thể dễ dàng nhận biết bệnh nấm đen dựa vào ngoại hình của chúng. Khi cá bị bệnh, trên người cá sẽ xuất hiện những mảng màu đen được tạo nên từ nhiều hạt đen nhỏ, có kích thước như hạt muối. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể dễ gây nhầm lẫn, đó là khi cá có sắc tố đen tự nhiên. Mảng đen tự nhiên trên người cá có thể ẩn và hiện tùy vào mức độ stress của cá. Các loài cá tiêu biểu có đốm đen tự nhiên có thể kể đến là cá hồng két, cá dĩa hoặc là cá vàng.
Những dấu hiệu nhận biết cá bị bệnh đốm đen là:
- Xuất hiện những đốm đen nhỏ li ti trên thân và vây cá
- Cá thỉnh thoảng bơi nhanh và cọ mình vào các đồ vật trong bể
- Trên thân cá xuất hiện các vết xước hoặc mất vảy do việc cọ người
Vòng đời của loài ký sinh
Để biết cách điều trị cho căn bệnh này thì đầu tiên bạn cần phải biết về vòng đời của sán ký sinh đã.
Loài sán ký sinh này chỉ có thể hoàn thành vòng đời qua ba vật chủ đó là chim, ốc và cá.
Sán sẽ phát triển trưởng thành, đủ để sinh sản trong ruột của chim bị nhiễm. Sán trưởng thành khi đó sẽ đẻ trứng, trứng sán sẽ đi theo chất thải của chim xuống dưới nước. Khi trứng gặp nước, chúng sẽ nở và ấu trùng sán sau khi nở có thể bơi tự do, tìm ốc sên để có thể hoàn thiện quá trình phát triển tiếp theo.
Khi chúng ký sinh trên ốc, loài sán này sẽ phát triển qua vài giai đoạn, sau đó sẽ rời ốc sên và tìm cá để ký sinh tiếp. Khi ký sinh trên cá, chúng sẽ chui sâu vào da cá, tạo các nang có màu đen – lý do cho tên gọi. Nếu chim ăn phải loài cá bị nhiễm bệnh thì vòng đời của sán sẽ lặp lại.
Cách chữa trị cho cá bị đốm đen
Như đã nhắc đến bên trên, sán ký sinh sẽ không thể hoàn thiện vòng đời khi thiếu một vật chủ được. Đó là lý do cá bị nấm đen trong nhà sẽ tự khỏi sau một khoảng thời gian mà bạn không cần phải làm gì cả.
Nếu cá bị nhiễm nấm đen lại thì nguyên nhân gây bệnh là do ốc hoặc là trứng ký sinh từ các nguồn nước khác xâm nhập vào bể cá.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy cá bị nhiễm nấm đen quá nhiều, khiến cho chúng bị khó chịu thì bạn có thể chữa trị cho cá bằng cách tắm muối, sử dụng xanh methylen (lazada) hoặc là bio knock 2 (lazada). Khi sử dụng thuốc để chữa trị cho cá thì bạn nên nuôi cá ra bể riêng để tránh việc thuốc làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh tại bể chính.
Cách dùng bio knock 2 như sau:
- Nhỏ một giọt bio knock 2 cho mỗi 10 lít nước. Cho đúng liều lượng thuốc rất quan trọng vậy nên bạn hãy tính thể tích nước trong bể và nhỏ theo liều lượng tương ứng.
- Sủi oxy liên tục cho cá
- Quan sát trong vòng 3 ngày, sau đó bạn hãy thay tầm khoảng 25% lượng nước trong bể và loại bỏ phân cá dưới đáy nền bể.
- Nếu cá chưa khỏi bệnh thì bạn hãy nhỏ thêm liều lượng tương tự.
- Một khi cá đã khỏi bệnh thì bạn có thể di chuyển lại cá về bể chính. Bạn nên đảm bảo đã tách cá ra ngoài trong ít nhất là 4-5 ngày để kí sinh trong bể không tìm được vật chủ và chết hết.
Cách phòng chống
Để phòng chống trường hợp cá bị đốm đen về sau thì trước khi bạn mua bất kỳ thứ gì, bao gồm cá, tép, ốc và cây cối thì bạn cần phải cách ly chúng ra bể riêng trong vòng 4-5 ngày nếu bạn muốn an toàn.
Tuy nhiên không phải ai cũng có thể và muốn cách ly cá lâu vậy đúng không? Ít nhất là bạn hãy mua cá, cây cối hoặc tép, ốc ở các cửa hàng uy tín, cá tép và cây đã được dưỡng đầy đủ. Tại đó khi mua về họ cũng đã thực hiện các bước cách ly, khử trùng và dưỡng cá cẩn thận trước khi bán rồi.
Ngoài ra thì bạn hãy giữ cho bể luôn sạch, sử dụng bộ lọc tốt và thay nước cho bể thường xuyên. Cụ thể là thay 10-15% lượng nước trong bể mỗi tuần. Khi sống trong môi trường nước sạch và được chăm sóc thường xuyên, cá sẽ khỏe mạnh hơn và đồng thời cũng phát triển được hệ đề kháng khỏe. Hệ đề kháng của cá không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh đốm đen mà đồng thời còn giúp phòng tránh được vô số vấn đề có thể phát sinh về sau.
Xem thêm: Cách chăm sóc cho bể thủy sinh
Bệnh nấm đen ở cá có lây không?
Bệnh đốm đen sẽ không lây lan giữa các loài cá. Chúng chỉ có thể lây từ ốc sang cá mà thôi.