aquasetup

10 loại cá sặc cảnh đẹp và phổ biến

Mục lục

Cá sặc là dòng cá phổ biến, có nguồn gốc từ Châu Á. Hiện nay, ngoài tự nhiên có hơn trăm loại khác nhau với kích thước đa dạng, từ 4cm hoặc thậm chí chúng có thể lớn đến 80cm. 

Trong bài viết này mình sẽ tổng hợp các loại cá sặc được nuôi làm cảnh phổ biến nhất hiện nay. Hầu hết các loài cá trong danh sách này thuộc chi Trichogaster. Loài cá thuộc chi này sẽ có thân hình nhìn giống như lá cây. 

Các loài cá sặc phổ biến hiện nay

1. Cá sặc gấm

Các loại cá sặc
  • Tên khoa học: Trichogaster lalius
  • Kích thước: 7-8cm 
  • Tính cách: Hiền lành, đôi khi hơi dữ

Cá sặc gấm là một trong những loài cá sặc được nuôi phổ biến nhất bởi màu sắc của chúng. Cá sặc gấm đực có màu đỏ cùng với những sọc ánh xanh neon trên thân. Màu của chúng sẽ càng tươi, đậm hơn khi con đực muốn thu hút con cái. 

Cá sặc gấm cái sẽ có thân hình màu bạc hơi có ánh đỏ và không được đẹp bằng cá đực. Giống như hầu hết loài cá sặc nhỏ khác, cá sặc gấm hiền lành với bạn cùng bể khác. 

Chúng thích nước ấm, hơi mang tính axit cùng với chế độ ăn giàu protein. Cho cá ăn chế độ ăn giàu protein cũng giúp cho cá lên màu đẹp và kích thích cho cá sinh sản. 

2. Cá sặc vàng gold

Các loại cá sặc
  • Tên khoa học: Trichogaster chuna
  • Kích thước: 5-6 cm 
  • Tính cách: Hiền lành, đôi khi hơi dữ

Cá sặc vàng là một trong những loài cá sặc nhỏ nhất, với kích thước chỉ vào khoảng 5-6 cm. Chúng không được phổ biến bằng cá sặc gấm. Cá sặc vàng sẽ nhỏ hơn và nhát hơn cá sặc gấm một tẹo. Giống như các loại cá sặc khác, cá sặc vàng cái sẽ có màu xám, những con cá có màu sắc sặc sỡ đều là cá đực. 

Cá sặc gấm có thể nuôi được trong bể cộng đồng nhưng cá sặc vàng sẽ khác một tẹo. Chúng nhát hơn, dễ bị các loài cá bơi nhanh hoặc là cá lớn dọa. Vậy để nuôi loài cá này bạn cần phải trồng nhiều cây thủy sinh và cho cá nhiều chỗ trốn hơn. 

3. Cá sặc ba chấm/ cá sặc bướm

Các loại cá sặc
  • Tên khoa học: Trichogaster trichopterus
  • Kích thước: 10-14 cm
  • Tính cách: Hiền lành, đôi khi hơi dữ

Cá sặc bướm là loài cá sặc được đánh bắt tự nhiên hoặc là cũng có thể được nuôi để làm thức ăn. Chúng có chiều dài khoảng 10cm, đôi khi có thể lớn tới 14 cm. Cá không có màu sắc sặc sỡ như các loài anh em họ hàng phía trên. Thân cá chủ yếu có màu bạc với hai chấm đen lớn ở giữa thân và gốc đuôi. 

Ngoài tự nhiên, cá sống ở các khu vực nước chảy chậm và có hệ thống cây thủy sinh dày. 

4. Cá sặc cẩm thạch

Các loại cá sặc
  • Tên khoa học: Trichopodus trichopterus 
  • Kích thước: 10-14 cm
  • Tính cách: Hiền lành, đôi khi hơi dữ

Cá sặc cẩm thạch là loài không tồn tại ngoài tự nhiên, chúng được nuôi sinh sản chọn lọc từ loài cá sặc bướm để cho ra màu xanh cẩm thạch. Màu sắc xanh cẩm thạch có thể đậm hoặc nhạt tùy từng con và loại cá. Trên thân cá có có những mảng xanh đậm, vây cá sẽ có họa tiết đốm sáng màu. Cá đôi khi vẫn có đốm đen ở thân và phía đuôi như cá hoang dã. 

5. Cá cờ sọc

Các loại cá sặc
  • Tên khoa học: Macropodus opercularis
  • Kích thước: 7.5-10 cm
  • Tính cách: Dữ

Có lẽ ít ai chưa từng nghe qua tên cá cờ. Cá cờ có thể được coi là một loại cá sặc. Loài cá này có cùng họ với cá sặc gấm, tuy vậy, tính cách của chúng thì sẽ không tương tự như vậy. Cá cờ sọc có kích thước tương đối lớn và chúng là kẻ bắt nạt xấu tính. Bạn nên cân nhắc khi nuôi chung cá cờ với các loài cá khác bởi chúng sẽ thường xuyên đuổi cắn cá trong bể, đặc biệt là các loài cá hiền và nhỏ hơn. 

6. Cá sặc trân châu/ cá sặc ngọc trai

Các loại cá sặc
  • Tên khoa học: Trichopodus leerii
  • Kích thước: 10-12 cm
  • Tính cách: Hiền lành

Cá sặc trân châu là loài cá có vẻ ngoài sặc sỡ không kém gì so với cá sặc gấm. Chúng có kích thước tương đối lớn, có thể lên tới 12cm. 

Khác với các loài cá kể trên, cá cái sẽ vẫn sẽ có màu tương tự cá đực, chỉ nhạt hơn một tẹo mà thôi. Đôi khi bạn có thể sẽ gặp khó khăn phân biệt cá sặc trân châu đực và cái. Cá đực sẽ có bụng màu hơi ngả cam, chuyển thành màu đỏ đậm khi chúng sẵn sáng sinh sản. 

Cá sặc trân châu đực sẽ hơi bảo vệ lãnh thổ một tẹo, ngoài ra thì chúng vẫn tương đối hiền lành và không bắt nạt các loài cá khác. 

7. Cá sặc rằn

Các loại cá sặc
  • Tên khoa học: Trichopodus pectoralis
  • Kích thước: 15-19 cm
  • Tính cách: Hiền lành

Cá sặc rằn là loại cá sặc lớn và không sặc sỡ. Chúng thường không được nuôi làm cảnh, thay vì đó, cá thường được nuôi và đánh bắt để làm thức ăn. 

Cá sặc rằn hoang dã, được cho ăn tốt có thể có họa tiết cẩm thạch màu nâu đậm trên thân. 

Cá sặc rằn có thể phát triển tới kích thước lên đến 25cm ngoài tự nhiên, khi được nuôi làm cảnh thì cá thường sẽ lớn khoảng 15-19cm. 

Trái ngược với ngoại hình dữ dằn của loài cá này, cá sặc rằn là loài cá có thể nuôi cộng đồng. Chúng hiền lành và sẽ không tấn công bạn cùng bể. 

8. Cá sặc bạc

Các loại cá sặc
  • Tên khoa học: Trichopodus microlepis
  • Kích thước: 15 cm
  • Tính cách: Hiền lành

Cá sặc bạc có cùng chi với cá sặc ba chấm và cá sặc cẩm thạch nhưng chúng sẽ hiền hơn, có thể được nuôi cộng đồng. Loài cá này có ánh bạc trên toàn bộ thân, khiến chúng là loài cá phù hợp để nuôi trong các bể cá chiếu sáng mạnh. 

Cá sặc bạc có thể được tìm thấy tại khu vực sông Mê Công ở Việt Nam, Campuchia và Lào. Bạn sẽ khó phân biệt giới tính loại cá sặc này hơn các loại khác. Cả con cái và đực đều có ánh bạc trên thân và có tính cách hiền lành như nhau. Cá đực khi trưởng thành sẽ có thêm ánh xanh lá và đỏ ở vây bụng. 

9. Cá sặc socola

Các loại cá sặc
  • Tên khoa học:  Sphaerichthys osphromenoides
  • Kích thước: 5 cm
  • Tính cách: Rất hiền lành

Cá sặc socola đến từ khu vực nước đen mang tính axit ở Malaysia, Borneo, tại đó, mức axit có thể hạ xuống thấp đến 3.5-4. Loài cá này nhạy cảm với môi trường sống, dễ bị mắc bệnh hơn nếu môi trường sống không được đảm bảo. 

Chúng là loài cá hiền lành, hiền đến mức độ nhát, dễ bị các loài cá lớn hoặc cá bơi nhanh dọa. Khi nuôi loài cá này bạn cần phải cho chúng nhiều chỗ trốn và cây thủy sinh. 

Cá có thể được nuôi theo cặp hoặc là nuôi theo nhóm nhỏ. 

Cá sặc socola cũng có tập tính sinh sản khác so với các loại cá sặc khác. Thay vì xây tổ bong bóng như cá sặc, cá betta thì cá cái sẽ ngậm trứng trong khoảng 2 tuần cho đến khi trứng nở. Cá đực sẽ ở cạnh và bảo vệ cá cái cho đến khi cá con nở và có thể tự trốn, bảo vệ bản thân. 

10. Cá betta

Các loại cá sặc
  • Tên khoa học: Betta splendens
  • Kích thước: 5 cm
  • Tính cách: hơi hung dữ

Chắc hẳn không ai xa lạ gì với loài cá betta. Cá betta thuộc vào họ Osphronemidae, vậy nên chúng cũng là một loại cá sặc. 

Chúng là loài cá phù hợp cho những người mới nuôi bởi cá betta sống rất khỏe và có thể ăn được mọi thứ, không yêu cầu cao về môi trường sống! Tuy nhiên chúng vẫn thích thực đơn giàu protein hơn. 

Cá betta là loài cá bơi tầng mặt và tầng giữa. Chúng là loài cá phù hợp cho những bể cá bé, có dòng chảy chậm và trồng nhiều cây cối.

Cá betta là loài cá không thực sự hiền lành nên bạn cần phải xem xét kĩ trước khi nuôi chúng trong những bể cá cộng đồng. Nguyên tắc đầu tiên bạn phải luôn làm theo đó là bạn không bao giờ được nuôi chung hai con cá betta đực với nhau. Chúng rất hung hăng với con đực cùng loài trong mùa sinh sản.

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *