Tìm hiểu về sự quang hợp của cây thủy sinh nghe có vẻ khô khan. Tuy nhiên, bạn cần nắm được quy trình sinh học này để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh.
Mọi loài cây đều có thể coi là loài sản xuất. Nghĩa là chúng không tiêu thụ sinh vật để phát triển, trừ một số loài cây ăn thịt. Cây tự tạo năng lượng qua quá trình quang hợp. Cụ thể là chuyển hóa ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo, CO2, nước; sau đó thải ra O2.
Có một điều khá hay ho là cây gần như không kiểm soát tốc độ quang hợp. Thay vào đó, yếu tố bên ngoài như ánh sáng, CO2, dưỡng chất (phân bón hoặc phân thủy sinh) và nhiệt độ có ảnh hưởng chủ yếu tới tốc độ quang hợp.
Chính vì vậy, người chơi thủy sinh nắm quyền kiểm soát lớn đối với sự quang hợp của cây. Thế nên bạn cần có chút kiến thức cơ bản về quá trình quang hợp của cây thủy sinh và các nhân tố ảnh hưởng.
Trong bài viết này, mình sẽ cung cấp thông tin tổng quan về các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình quang hợp của cây thủy sinh như ánh sáng, CO2, nhiệt độ, dưỡng chất. Mình sẽ đào sâu hơn về từng nhân tố trong những bài viết sắp tới.
Ánh sáng
Ánh sáng là điều kiện thiết yếu để quang hợp. Thời gian chiếu và cường độ ánh sáng càng mạnh thì cây quang hợp càng nhanh. Nếu các yếu tố khác cũng được đảm bảo thì cây phát triển mạnh mẽ.
Khi dùng đèn thủy sinh, thời lượng chiếu sáng quan trọng hơn cường độ ánh sáng. Trong tự nhiên thì cây chỉ có thể quang hợp với cường độ cao trong khoảng 4 tiếng khi ánh sáng mặt trời đạt cực điểm. Chính vì thế nên bạn chỉ nên điều chỉnh cường độ ánh sáng lên cao trong khoảng thời gian ngắn thay vì chiếu sáng thấp trong khoảng thời gian dài.
Bạn cần lưu ý là chiếu ánh sáng cường độ cao trong khoảng thời gian dài có thể làm tảo phát triển trong bể thủy sinh, làm biến dạng lá cây thủy sinh. Chính vì vậy nên bạn phải căn thời lượng chiếu sáng sao cho phù hợp. Bể thủy sinh mô phỏng điều kiện sống của sinh vật trong tự nhiên. Do đó, bạn nên bật đèn vào buổi sáng và tắt đèn vào ban đêm, tốt nhất là giữ lịch bật/tắt đèn cố định. Bạn có thể cân nhắc sử dụng thiết bị bật/tắt đèn tự động để vừa thuận tiện mà vừa có lợi cho cây.
CO2
Cây chỉ có thể quang hợp khi có đủ lượng CO2 và ánh sáng. Mình muốn nhấn mạnh là thời gian bổ sung CO2 cho bể cần phải trùng khớp với thời gian chiếu sáng cho cây. Khi được chiếu sáng, cây bắt đầu quang hợp, cây hấp thụ CO2 trong nước để tổng hợp chất hữu cơ, sau đó thải ra O2.
Cây quang hợp càng mạnh thì càng thải ra nhiều O2, đồng nghĩa với việc bể sẽ không thiếu O2 trừ khi bạn bổ sung quá nhiều CO2 cho bể. Thêm vào đó, lượng O2 được thải ra liên tục trong quá trình quang hợp kể cả khi O2 hòa tan trong nước bão hòa.
Thường thì O2 hòa tan trong nước bị bão hòa nhiều dưới ánh sáng khi bạn thêm CO2 vào bể. Nhờ đó, bể có đủ O2, động vật thủy sinh sống khỏe. Bạn phải nhớ là thêm CO2 trong điều kiện thiếu sáng thì cây không quang hợp. Không chỉ vậy, bể sẽ thừa CO2, gây thiếu O2, từ đó ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của động vật thủy sinh. Mình đề xuất bạn sử dụng hệ thống hẹn giờ giúp đóng ngắt CO2 tự động cùng lúc với bật/tắt đèn chiếu sáng.
Bạn cũng cần biết là cây thủy sinh hô hấp trong bóng tối, hấp thụ O2 và thải ra CO2 khi vẫn còn CO2 dư trong nước sau quá trình quang hợp. Trong trường hợp này, bể rơi vào tình trạng thừa CO2, thiếu O2. Để ngăn chặn vấn đề này, bạn cần dùng sủi O2 vào ban đêm để tránh việc thiếu CO2. Vậy nên nếu bạn muốn điều chỉnh sủi O2, ánh sáng, CO2 bằng thiết bị hẹn giờ đơn giản thì phải dùng tối thiểu 2 thiết bị hẹn giờ.
Nhiệt độ nước
Tăng nhiệt độ nước làm tăng cường độ quang hợp và trao đổi chất của cây. Nói ngắn gọn thì nhiệt độ nước càng cao, cường độ quang hợp vào trao đổi chất của cây càng cao. Từ đó, bạn cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng và CO2 tương ứng với sự gia tăng cường độ này.
Chất dinh dưỡng
Trong quá trình quang hợp, cây thủy sinh hấp thu dưỡng chất cần thiết từ nước hoặc lớp nền. Trên thị trường có nhiều loại phân bón, gói dinh dưỡng có thể giúp bạn như phân dinh dưỡng dạng lỏng hoặc cát sỏi chứa dưỡng chất.
Oxy
Động vật thủy sinh hấp thụ O2 thải ra trong quá trình quang hợp của cây thủy sinh. Vào ban ngày, cây và sinh vật cộng sinh hoàn hảo với nhau. Tuy nhiên, tất cả sinh vật đều hô hấp vào ban đêm, hấp thụ O2 và thải ra CO2.
Để tránh mất cân bằng cho bể, bạn cần bổ sung thêm O2 vào ban đêm. Nhưng mà bạn không cần sử dụng đến sủi để bổ sung thêm Oxy. Lý do là bởi bộ lọc tốt cũng có thể làm động mặt nước đủ. Từ đó giúp cho lượng Oxy hòa tan vào trong nước được nhiều hơn.
LỜI KẾT
Hiểu rõ về quá trình quang hợp của cây thủy sinh bao gồm các yếu tố liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một bể thủy sinh khỏe. Bạn cần phải chọn định lượng cũng như thời gian hợp lý trong việc kiểm soát ánh sáng, CO2, O2, nhiệt độ nước, chất dinh dưỡng trong bể.