Artemia nước mặn là loại thức ăn giàu dinh dưỡng, có thể nói là loại thức ăn tốt nhất dùng để nuôi cá con cũng như cá trưởng thành. Ngoài artemia nước mặn thì còn có một loại khác, đó chính là artemia nước ngọt. Ngoại hình hai loài này có nhiều nét tương đồng, nhưng còn cách ấp nở và chăm sóc thì sao?
Cách chăm sóc artemia nước ngọt sẽ có vài điểm khác một tẹo so với loại nước mặn.
Loài artemia nước ngọt được bán tại Việt Nam là artemia Thái. Thực chất, chúng không có quan hệ nhiều với artemia nước mặn. Artemia nước ngọt Thái có tên khoa học là Branchinecta sp., là một loài giáp xác với kích thước trưởng thành vào khoảng 2.5-3 cm (lớn hơn so với artemia nước mặn).
Artemia nước ngọt có vòng đời ngắn, trung bình vào khoảng 12 tuần, tức là vào khoảng 3 tháng. Chúng có thể sống tới 4-6 tháng nếu được nuôi trong môi trường phù hợp. Nếu bạn nuôi artemia và cho chúng môi trường cũng như thức ăn tốt thì chúng sẽ đẻ trứng và tạo ra nguồn thức ăn liên tục cho cá.
Artemia nước ngọt có thể được tìm thấy tại các khu vực nhiệt đới ở Châu Phi, Châu Á và Bắc Mỹ. Chúng có kích thước nhỏ, là nguồn thức ăn tự nhiên cho các loài cá cũng như sinh vật dưới nước khác.
Cách nuôi artemia nước ngọt
Dụng cụ bạn cần chuẩn bị:
- Chậu nước – Bạn có thể sử dụng bể kính trong suốt để quan sát artemia nước ngọt dễ hơn. Chậu hay bể nước nên có thể tích từ 3-5 lít trở lên. Chậu nước có bề mặt càng rộng và độ sâu càng nhỏ thì lượng oxy trong nước sẽ càng nhiều. Lý do là nước luôn trao đổi oxy với không khí qua mặt nước.
- Sủi oxy– Bạn có thể không cần sủi oxy nếu nuôi ít hơn 20 con artemia trưởng thành/ 1 lít nước. Nếu bạn định nuôi với mật độ dày thì bạn cần phải có sủi.
- Thức ăn cho artemia nước ngọt – Bạn có thể sử dụng bột mì, viên/ bột tảo xoắn, lòng đỏ trứng gà, nước vo gạo, nước tảo xanh, sữa pha nước, cám cho cá xay nhuyễn… Nói chung là bạn có thể cho artemia ăn bất kể mọi thứ đủ nhỏ, không có độc và có chứa dinh dưỡng. Mấy con artemia này không kén chọn và có thể ăn được gần như tất cả mọi thứ.
- Cây hút – Để có thể hút artemia hoặc trứng artemia ra để thu hoạch
- Vợt nano – Để có thể lọc artemia mới nở hoặc lọc trứng artemia
- Trứng artemia nước ngọt – Bạn có thể mua trứng artemia nước ngọt tại đây
Làm bể nuôi artemia
Đầu tiên bạn cần phải đổ đầy nước vào bể ấp. Tốt nhất là bạn nên sử dụng nước uống được, nước lọc thì càng tốt. Bạn cần giữ bể tránh xa các loại hóa chất như là xà phòng, nước tẩy,… để trứng có khả năng nở cao nhất.
Artemia nước ngọt thích ánh sáng nên trong quá trình ấp trứng bạn cũng nên để bể có ánh sáng mặt trời gián tiếp. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng đèn led để chiếu sáng 10 tiếng một ngày.
Artemia nước ngọt thái là loại sống trong khu vực nhiệt đới, vậy nên chúng thích nước ấm. Bể nên có nhiệt độ ổn định vào khoảng 24-30 độ C.
Như đã nhắc đến bên trên, nếu bạn dự định nuôi artemia với mật độ dày thì bạn nên sử dụng sủi oxy.
Ấp trứng
Sau khi làm xong bể ấp thì bạn rắc trứng vào trong bể nhẹ nhàng. Khi đó, trứng sẽ nổi lên trên bề mặt nước, sau đó bạn cần phải khuấy trứng lên để chúng có thể ngấm nước và chìm xuống đáy bể. Không giống như artemia nước mặn, trứng artemia nước ngọt khi để nổi sẽ khó nở hơn.
Trứng artemia khi đó sẽ bắt đầu ngấm nước. Artemia nước ngọt sẽ bắt đầu nở sau khoảng 24 đến 48 tiếng, đôi khi có thể lâu hơn, tùy thuộc vào điều kiện nước và nhiệt độ. Artemia nước ngọt mới nở sẽ vô cùng bé, bạn cần phải nhìn kỹ mới thấy được.
Để có thể thấy được artemia nước ngọt mới nở dễ hơn thì bạn có thể tắt đèn phòng đi và chiếu đèn pin vào. Chúng sẽ bắt đầu bơi và tập trung về phía nguồn sáng.
Cho artemia nước ngọt ăn
Nếu bạn định sử dụng artemia nước ngọt ngay khi chúng vừa mới nở thì bạn không cần thiết phải cho chúng ăn. Bạn có thể bắt luôn ra khi artemia vừa nở hết.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn nuôi artemia con để cho cá ăn thì sử dụng artemia nước mặn sẽ phù hợp hơn. Lý do là bởi chúng rẻ hơn và có tỉ lệ nở thành công cao hơn.
Nếu bạn muốn nuôi artemia nước ngọt đến khi trưởng thành thì:
Khi bạn đã bắt đầu thấy những con artemia nước ngọt đầu tiên bơi trong nước thì bạn có thể cho chúng ăn vào ngày hôm sau. Những con artemia nhỏ li ti này không kén ăn, chúng có thể ăn được bất kì loại thức ăn nào đủ nhỏ.
Loại thức ăn phổ biến nhất nhiều người sử dụng để nuôi artemia nước ngọt đó là bột tảo xoắn, bột mì hoặc nước tảo xanh. Mình không khuyến khích sử dụng nước tảo xanh lắm, lý do là bởi một số loại tảo có thành tế bào dày và khiến artemia sẽ không thể tiêu hóa được.
Bạn có thể sử dụng một nhúm (tầm khoảng 1/3 thìa sữa chua) cho bể nuôi tầm khoảng 15 lít nước. Khi cho cá ăn bột tảo xoắn thì bạn hãy khuấy bột trong cốc nước trước, để qua đêm thì càng tốt. Sau đó bạn chỉ cần việc đổ hỗn hợp vào bể nuôi artemia là được.
Hoặc nếu bạn muốn cho artemia nước ngọt ăn bột mì thì bạn hãy lấy một nhúm bột mì, hòa tan vào trong cốc nước ấm. Sau đó cho artemia ăn vài giọt một lần. Bạn chỉ nên đổ hỗn hợp bột mì vào nước đến khi nước hơi mất độ trong một tẹo. Nếu nước quá đục thì hãy dừng cho chúng ăn trong khoảng 1-2 ngày cho đến khi nước trong trở lại.
Bạn có thể cho artemia ăn vài lần một ngày với số lượng nhỏ hoặc cho ăn ngày một lần cũng được nếu không có thời gian. Tuy nhiên, khi bạn phát hiện thấy nước đục thì hãy cho chúng ăn ít đi. Khi artemia lớn dần lên thì chúng cũng cần phải được cho ăn nhiều hơn.
Artemia có thể nhịn ăn trong khoảng 1-3 ngày. Vậy nên bạn cần lưu ý là không nên bỏ đói chúng quá lâu.
Ngoài các loại thức ăn trên thì bạn cũng có thể cho artemia nước ngọt ăn lòng đỏ trứng gà, nước vo gạo, cám cho cá xay nhỏ,…
Phát triển
Artemia nước ngọt sẽ lớn khá nhanh. Trong vài ngày đầu, chúng sẽ chỉ nhỏ li ti, đôi khi sẽ khó thấy nếu bạn không quan sát kĩ. Sau khoảng 1 tuần, chúng sẽ bắt đầu dài ra. Chúng sẽ đạt hình dạng trưởng thành khi có kích thước vào khoảng 1cm, tuy nhiên sẽ tiếp tục lớn. Sau khoảng 4 tuần thì artemia nước ngọt có thể dài đến 2-3 cm.
Artemia đẻ trứng và sinh sản
Khi đạt đến độ tuổi trưởng thành, tức là vào khoảng 4 tuần tuổi, con cái sẽ bắt đầu tạo trứng. Bọc trứng sẽ có hình dạng bọc trong suốt, dính ở phần phía dưới chân bơi.
Khi đó con đực sẽ liên tục bơi quanh con cái. Khi chúng chọn được con cái phù hợp thì con đực sẽ bám chặt vào chúng. Sau đó con đực sẽ bắt đầu thụ tinh cho trứng, xong rồi con đực sẽ lại tiếp tục bơi đi chỗ khác để tìm con cái khác để sinh sản. Một khi trứng đã được thụ tinh đầy đủ, artemia nước ngọt cái sẽ đẻ trứng và trứng sẽ chìm xuống nền bể.
Những hạt trứng nhỏ sẽ tiếp tục phát triển. Khi phôi bên trong trứng phát triển đầy đủ (sau khoảng 1-2 ngày) thì trứng sẽ dừng lại và không phát triển nữa. Thông thường, trứng artemia nước ngọt sẽ không thể nở trừ khi chúng được phơi khô và tiếp xúc với nước lần nữa.
Đây là cơ chế sinh tồn để giúp artemia có thể sống tại những khu vực nước có thể bốc hơi hoàn toàn vào mùa khô.
Ấp lại trứng artemia nước ngọt
Sau khoảng 2-3 tháng, artemia nước ngọt sẽ chết vì già. Khi đó, dưới đáy bể của bạn sẽ có đầy trứng artemia chờ để thu hoạch. Bạn cũng có thể thu hoạch nếu phát hiện thấy artemia đã đẻ trứng.
Bạn có thể sử dụng cây hút để hút cặn dưới đáy nền để thu hoạch trứng. Sau đó lọc cặn qua vợt nano, sau đó phơi nắng để khô trong một vài ngày.
Nếu bạn không có ý định ấp trứng luôn thì bạn có thể để cặn khô cùng trứng vào trong lọ nhỏ và trữ trong tủ lạnh để khi nào cần có thể bỏ ra ấp tiếp.