Nước trong không có nghĩa là nước sạch. Còn nhiều thứ khác có thể làm hại đến cá mà bạn không thể thấy được, có thể kể đến là ammonia, nitrite và nitrate. Ammonia là chất cực độc đối với cá, được sản sinh ra từ thức ăn thừa và phân cá.
Nhưng may mắn là trong nước luôn có những loại vi khuẩn có lợi giúp bạn có thể xử lý được chất gây hại này thành nitrite và rồi thành nitrate.
Vi khuẩn có lợi có thể tự hình thành trong bể cá qua thời gian mà không cần bạn phải làm gì. Tuy nhiên, đôi khi vấn đề có thể xảy ra và làm hệ vi sinh trong bể bị chết. Hoặc khi bạn muốn đẩy nhanh quá trình hệ vi sinh hình thành thì bạn có thể châm thêm vi sinh.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các hãng với các sản phẩm vi sinh khác nhau như là extra bio, vi sinh seachem, vi sinh koika, vi sinh psb,… Và chọn lựa các loại vi sinh này đôi khi có thể phức tạp bởi bạn không thể biết được điểm khác biệt giữa các sản phẩm vi sinh này là gì bởi nhà sản xuất hiếm khi công khai thành phần vi khuẩn nitrat hóa có trong chai.
Về quá trình nitrate hóa
Để biết được công dụng của vi sinh có lợi, đầu tiên bạn phải biết về chu trình cycle của bể cá hay nitrat hóa trước đã.
Có 3 chất liên quan đến quá trình cycle, đó là ammonia, nitrite và nitrate. Quá trình cycle sẽ chia ra làm 3 giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu tiên, khi mới làm bể, lượng ammonia từ phân nền hoặc các loại hợp chất hữu cơ sẽ tăng cao và vi khuẩn có lợi sẽ phát triển để tiêu thụ lượng amonia đó và sản sinh ra nitrite.
Ở giai đoạn thứ hai, khi nitrte tăng cao, một loại vi khuẩn có lợi nữa sẽ bắt đầu tiêu thụ nitrite và sản sinh ra nitrate. Hai loại chất ammonia và nitrite có khả năng gây hại cho cá và các loại sinh vật thủy sinh khác nhưng nitrate thì không nếu ở số lượng ít.
Ở giai đoạn thứ ba, cây cối thủy sinh sẽ sử dụng nitrate làm nguồn nitơ để có thể phát triển
Bạn có thể tự làm vi sinh có lợi không?
Bạn có thể tự làm nhưng bạn sẽ khó có thể tạo được các loại vi khuẩn có lợi nitrat hóa như là các loại vi khuẩn trong vi sinh extra bio, sechem,… Lý do là bởi những loại vi khuẩn trong chai là những loại vi khuẩn nitrat rất cụ thể và bạn sẽ không dễ tìm và tạo được chúng từ các nguồn ngoài tự nhiên.
Tuy nhiên, có một loại vi khuẩn có lợi khác bạn có thể dễ dàng tạo được đó là vi khuẩn psb. Về điểm khác biệt giữa vi khuẩn psb và vi khuẩn nitrat hóa bạn có thể xem thêm trong bài viết này.
Nói một cách ngắn gọn thì vi khuẩn psb cũng có thể giúp xử lý ammonia, tuy nhiên cách hoạt động của chúng sẽ khác so với vi khuẩn nitrat hóa thông thường. Vi khuẩn psb cũng có một số mặt lợi ích khác mà các loại vi khuẩn khác không đem lại được.
Xem thêm: so sánh vi khuẩn psb và extra bio
Vi khuẩn psb là gì?
Vi sinh PSB hay còn gọi là vi khuẩn quang hợp là các loại vi khuẩn có khả năng chuyển hóa ánh sáng mặt trời thành năng lượng. Vi khuẩn quang hợp là loại vi khuẩn kỵ khí, phát triển trong môi trường thiếu oxy. Có nhiều loại vi khuẩn quang hợp khác nhau, có thể được tìm thấy ở trong đất cũng như nước, ở bùn, hồ, biển.
Vi sinh PSB có thể giúp xử lý ammonia nhưng chúng sẽ không tham gia vào quá trình cycle thông thường. Trên thực tế là chúng chuyển hóa trực tiếp NH4 (ammonia) thành N2 và N2O, không thông qua chuyển hóa thành nitrite và nitrate.
Nguồn: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0960852419313926
Cách để làm vi khuẩn psb
Dưới là cách đơn giản bạn có thể sử dụng để tạo vi khuẩn psb
1. Chuẩn bị dụng cụ/ nguyên liệu
Bạn cần phải chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- 1 quả trứng gà
- 1 thìa cơm mì chính/ bột ngọt
- 3 thìa cơm nước mắm
- 2 chai nhựa 1,5L
- Nước tự nhiên từ ao hồ (bạn có thể sử dụng nước từ bể cá và một ít vi khuẩn psb giống để quá trình tạo vi khuẩn nhanh hơn, nếu bạn không có vi khuẩn giống thì bạn nên sử dụng nước từ ao/ hồ tự nhiên)
2. Trộn đều nguyên liệu
Bước tiếp theo bạn hãy đập trứng vào bát, sau đó khuấy đều nước mắm, mì chính cho nguyên liệu trộn lẫn đều vào nhau. Sau đó bạn hãy trộn nước ao/ hồ vào trong chai và đổ hỗn hợp vào, sau đó lắc đều để hỗn hợp hòa lẫn với nước.
3. Để chai nước ngoài trời
Tiếp theo bạn hãy để chai nước ngoài trời, tuy nhiên bạn nên để ở nơi có ánh sáng mặt trời gián tiếp, tránh đặt dưới ánh nắng trực tiếp đề phòng chai nước bị quá nóng và làm chết vi sinh. Sau khoảng 6 tuần bạn sẽ thấy hỗn hợp trong chai đỏ dần. Khi nước chuyển sang màu đỏ mận thì tức là bạn đã tạo được vi khuẩn psb thành công.
Cách sử dụng vi khuẩn psb
Đối với bể mới làm thì bạn hãy nhỏ 5ml vi khuẩn psb cho mỗi 100 lít nước. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận, tránh để vi khuẩn psb rớt vào người bởi loại vi khuẩn này rất hôi.
Khi bể đã được cycle đầy đủ thì bạn hãy châm thêm vi sinh psb sau mỗi lần thay nước. Lượng vi khuẩn psb cho thêm là khoảng 1 ml cho mỗi 100 lít nước.
Cho quá nhiều vi sinh có làm sao không?
Nếu cho quá nhiều vi khuẩn psb mà chúng không có thức ăn thì vi khuẩn psb sẽ bị chết bớt. Nếu liều lượng bạn cho thêm không quá nhiều thì chúng sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng nước.