Bạn muốn nuôi cá sinh sản? Thông thường thì cá là loài đẻ trứng, tuy nhiên, có một số loài cá có thể đẻ con. Các loài cá đẻ con có điểm chung đó là chúng sống khỏe, sinh sản nhanh và dễ dàng.
Có khoảng hơn 300 loài cá đẻ con ngoài tự nhiên. Trong số đó thì các loài cá phổ biến nhất trong cộng đồng cá cảnh là cá bảy màu, cá mún, cá bình tích và cá kiếm. Các loài cá này đều cùng thuộc họ Poeciliidae. Chúng là những loài cá sặc sỡ, giá rẻ, phù hợp cho những người mới nuôi.
Loài cá đẻ con tốt nhất?
Mỗi loại cá sẽ phù hợp với môi trường khác nhau. Vì vậy tùy thuộc vào bể của bạn như thế nào bạn có thể cân nhắc chọn loài cá phù hợp. Ví dụ, cá mún và cá bảy màu là loài cá nhỏ nên sẽ phù hợp để nuôi trong những bể cá bé. Cá bảy màu là loài có vây dài, vậy nên sẽ không phù hợp nuôi chung với các loài có tập tính rỉa vây.
Cá bình tích có thể sống được ở cả trong môi trường nước lợ, chúng đôi khi cũng có thể rỉa vây cá khác nên bạn cần theo dõi cẩn thận khi nuôi.
Cá đực và cá cái khác gì nhau?
Khi chọn loài cá đẻ con cho bể của bạn thì bạn cần biết cách phân biệt cá đực và cá cái vì vài lý do:
- Cá cái sẽ dễ bị bắt nạt: Cá cái có thời gian sinh sản nhanh với tần suất nhiều, chỉ vài tuần sau khi đẻ con là chúng có thể lại đẻ tiếp. Nếu bạn nuôi quá nhiều cá đực so với cá cái thì cá đực sẽ liên tục đuổi cá cái và làm chúng bị stress.
- Số lượng cá quá nhiều: Việc cá sinh sản quá nhanh vừa là điểm lợi cũng như hạn chế của các loài cá đẻ con. Đôi khi chúng có thể sẽ đẻ quá nhiều đến mức bạn không thể nuôi nổi và không biết làm gì với cá con. Nuôi riêng cá đực và cá cái có thể giải quyết được vấn đề này.
Dưới là cách phân biệt cá đực và cá cái:
- Cá đực có vây hậu môn nhỏ, nhọn hơn. Trong khi đó cá cái có vây hậu môn hình quạt
- Cá đực thường nhỏ, có màu sắc sặc sỡ và đậm hơn. Cá cái thường to hơn, có bụng tròn hơn và màu sắc kém sặc sỡ bằng cá đực.
- Đối với cá kiếm thì cá đực sẽ có đuôi có phần rìa nhọn và kéo dài hơn hẳn so với cá cái. Cá cái sẽ có đuôi bình thường, hình quạt.
1. Cá bảy màu
- Kích thước: 4 cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 22-28°C
- Độ pH: 7.0-8.0
- Độ cứng: 70—140 ppm
Bắt đầu danh sách này là cá bảy màu – dòng cá quốc dân ai cũng từng đã nghe qua nếu muốn tìm hiểu và mua cá cảnh.
Cá bảy màu có rất nhiều màu sắc, hoa văn và hình dáng vây khác nhau. Bạn có thể chọn mua các loại bảy màu thường, bảy màu fancy, bảy màu rừng,… tùy vào sở thích.
Mỗi loại đều có một nét đẹp riêng, chúng đều có chung một điểm đó là cá bảy màu sống rất khỏe và ít khi bị bệnh nếu bể nuôi đã vào giai đoạn ổn định.
Bảy màu cũng rất dễ sinh sản và chúng sẽ đẻ rất nhiều mà không cần tới người nuôi can thiệp. Vậy nên chỉ với một cặp cá trong bể, nếu bạn cho chúng môi trường sống tốt thì bạn sẽ sớm có cả một đàn cá thôi.
2. Cá mún
- Kích thước: 4cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 22-28°C
- Độ pH: 7.0-8.0
- Độ cứng: 70—140 ppm
Một trong những loài cá nhỏ màu đỏ nổi tiếng nhất – cá mún. Cá mún có nhiều loại cũng như màu sắc khác nhau như cá mún mickey, cá mún hạt lựu, cá mún lửa, cá mún panda,… Nhưng loại phổ biến nhất là cá mún có màu cam đỏ.
Bạn có thể dễ dàng mua được loại cá này ở bất kì cửa hàng thủy sinh nào. Chúng là loại cá không cần chăm sóc nhiều, có thể sống ở nhiều loại môi trường khác nhau và sống rất khỏe.
Hơn hết nữa, cá mún là loài đẻ con, sinh sản nhanh và dễ dàng.
3. Cá bình tích
- Kích thước: 12cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nước: 22° C đến 26° C
- Độ pH: 7.5 đến 8.5
- Độ cứng: 200—300 ppm
Cá bình tích có rất nhiều loại với nhiều màu sắc khác nhau. Chúng có thể lớn tới kích thước khá lớn – lên tới hơn 10cm. Cá bình tích là loài cá ưa hoạt động, bạn nên nuôi chúng trong bể cá có thể tích ít nhất là 75l trở lên.
Cá bình tích cũng hiền lành, đôi khi chúng cũng sẽ có hành vi rỉa vây nếu bị nuôi trong bể quá bé hoặc khi cá đực đến thời điểm giao phối.
Bởi vì là loài cá hiền lành và cũng có kích thước tương đối lớn vậy nên cá bình tích có thể nuôi chung được với các loài cá có kích thước tương tự.
4. Cá đuôi kiếm
- Kích thước: 11-14cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 22-28°C
- Độ pH: 7.0-8.0
- Độ cứng: 200—300 ppm
Cá đuôi kiếm cũng là một loài cá đẻ con nổi tiếng. Tuy nhiên, đôi khi chúng có thể lớn đến kích thước khá lớn (tầm khoảng 14cm ) nên bạn hãy xem xét nuôi chúng trong những bể cá lớn hơn.
Chúng là một trong những loại cá được buôn bán nhiều nhất trong cộng đồng cá cảnh. Mình nhớ là chúng cũng là loại cá đầu tiên mình nuôi.
Nhờ vào sinh sản chọn lọc nên bây giờ cá đuôi kiếm có thể có nhiều màu sắc, hình dáng vây khác nhau. Phổ biến nhất trong đó vẫn là màu đỏ còn gọi là cá huyết kiếm.
5. Cá lìm kìm
- Kích thước: 7cm
- Tính cách: hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 23-26°C
- Độ pH: 7.0-8.0
- Độ cứng nước: 100-300
Cá kìm lìm là một nhóm các loài cá với miệng có hình dạng thú vị. Phần miệng dưới của chúng rất dài, nhìn giống như chiếc sừng học ra từ trên đầu chúng vậy. Đây là loài cá cần mức độ chăm sóc kĩ hơn. Tuy nhiên, mình vẫn đưa vào danh sách này vì cá lìm kìm cũng là loài cá đẻ con. Cá lìm kìm sống tầng mặt và là loài cá thú vị cho những ai muốn thử nuôi loài cá độc, lạ.
Chúng là loài cá săn mồi. Vậy nên nếu bạn có một con cá kìm lớn thì bạn nên tránh nuôi chung cá với các loài cá nhỏ và vừa miệng chúng.
Chúng cũng là loài cá đẻ con giống như cá mún, cá bảy màu,…Vậy nên nếu bạn muốn nuôi cá kìm sinh sản thì bạn phải trồng nhiều cây để tránh việc cá con bị cá kìm hoặc các loài cá cùng bể khác ăn mất.