Cá cảnh bị sình bụng là một trong những căn bệnh thường gặp nhất. Các loại cá dễ mắc bệnh phình bụng có thể kể đến là cá vàng, koi, la hán, neon, bảy màu, dĩa,…
Sình bụng có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Chủ yếu là do cá bị táo bón, mắc bệnh về bong bóng khí. Ngoài ra, cá cũng có thể bị xù vảy, xảy ra khi mà thận cá gặp vấn đề.
Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách nhận biết bệnh và cách chữa trị cho cá trong từng trường hợp.
Làm sao để biết cá đang bị táo bón
Cá betta, cá vàng, cá bảy màu, cá neon, … có thể bị táo bón nếu được cho ăn thức ăn không tốt, cộng với hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề.
Cá cảnh có thể bị táo bón nếu có những biểu hiện sau:
- Bụng bị phình to
- Cá không ăn thức ăn hoặc là ăn rồi và nhả ra
- Cá có phân dài, có thể có màu trắng
- Cá bơi chậm hoặc là nằm đáy
Làm sao để biết cá bị xù vảy
Xù vảy hay dropsy và táo bón là những căn bệnh có triệu chứng giống nhau nên bạn có thể đôi khi nhầm lẫn. Xù vảy xảy ra khi cá bị tích tụ nước trong cơ thể, khiến các khoang trong người của cá bị phình, dẫn đến việc bụng bị phình to, vảy chĩa ra ngoài.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy cá bị xù vảy
- Bụng phình to
- Vảy bị xù ra ngoài
- Mắt cá bị lồi
- Mang nhạt màu
- Hậu môn bị sưng
- Phân dài, màu nhạt
- Cá bị túm đuôi
- Cá bỏ ăn
- Cá bơi thất thường
Nguyên nhân gây bệnh xù vảy
Có nhiều nguyên nhân khiến cho cá bị xù vảy.
Khi sống trong nước, nước luôn thâm nhập vào người cá qua khuếch tán thụ động trên mang và da cá. Thận và mang của cá phải hoạt động liên tục để có thể đẩy được nước ra ngoài môi trường cùng các loại chất thải khác.
Một khi một trong hai bộ phận này không hoạt động tốt thì nước sẽ không được đẩy ra ngoài và khiến cho nước bị kẹt lại ở các khoang trong người cá. Nếu để lâu thì sẽ khiến nội tạng của cá ngừng hoạt động, để chữa trị lúc này thì có lẽ là đã quá muộn. Phát hiện và điều trị sớm là bí quyết để chữa trị cho cá bị xù vảy thành công.
Ngoài bị phình bụng với vảy chĩa ra ngoài thì bệnh xù vảy còn có một số triệu chứng khác như mắt cá bị lồi, vây bị tái, hậu môn sưng, da hoặc vây cá bị đỏ.
Thận hoặc mang cá hoạt động kém có thể do một trong số những nguyên nhân sau:
- Nhiễm trùng (thường là do vi khuẩn Aeromonas có sẵn trong nước)
- Nhiễm nấm
- Nhiễm ký sinh
- Cá bị bệnh gan
Cách chữa trị cá bị táo bón
Cách chữa trị thông dụng nhất là cung cấp thêm chất xơ vào trong khẩu phần ăn của cá. Cách dễ nhất là thêm rau xanh vào thức ăn của cá. Trong tự nhiên, các loài cá săn mồi hoặc ăn tạp đều tiêu thụ rêu tảo, các loại thực vật khác. Loài săn mồi sẽ có được chất xơ từ ruột con mồi của chúng.
Loại thực vật mọi người hay dùng để thêm vào khẩu phần ăn của cá là đậu luộc. Lượng chất xơ có trong đậu khá cao và chúng đóng vai trò như liều thuốc nhuận tràng cho cá, giúp chúng xử lý chất thải tích tụ tốt hơn. Các loại rau khác bạn có thể dùng là rau cải, xà lách, dưa chuột hoặc cà rốt. Một số loại cá thậm chí ăn cả khoai lang. Đậu hà lan luộc tách vỏ cũng có thể cung cấp cho cá chất xơ cần thiết.
Lưu ý rằng nếu loài cá bạn nuôi là loài săn mồi như là cá betta thì bạn nên tránh cho chúng ăn quá nhiều chất xơ bởi vì chất xơ có thể bị mắc lại ở ruột ngắn của cá. Thay vì đó, bạn nên cho chúng ăn nhiều loại động vật giáp xác nhỏ như artemia, bo bo. Lớp vỏ kitin của chúng có thể đóng vai trò thay thế cho chất xơ.
Xem thêm: Cách nuôi artemia sinh khối nước mặn
Khi bạn điều trị cho cá bị táo bón, bạn cần ngừng cho chúng ăn thường, chỉ cho chúng ăn rau xanh cho đến khi tình trạng được cải thiện.
Tùy thuộc vào tình trạng của cá, táo bón có thể kéo dài từ 1 cho đến 7 ngày.
Cách chữa cá bị bệnh xù vảy
Xù vảy không dễ chữa trị, cách điều trị thích hợp nhất là cung cấp cho cá môi trường sống tốt nhất cộng với cho cá ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để hệ miễn dịch của cá có thể tự giải quyết được căn bệnh. Dưới là các cách bạn có thể thực hiện để chữa bệnh xù vảy cho cá:
Chuyển cá ra bể riêng – Việc đầu tiên khi bạn không chắc về nguyên nhân gây bệnh cho cá thì bạn cần chuyển cá ra một bể riêng để chữa bệnh. Nguyên nhân là bởi tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bệnh xù vảy có thể lây sang cá khác. Bể riêng cần đủ lớn để cá có thể thoải mái bơi lội, tránh việc cá bị stress và làm bệnh tệ hơn.
Cung cấp cho cá nước sạch – Nước bể cá bị bẩn là một trong những nguyên nhân gián tiếp chính gây bệnh cho cá. Nếu bể cá của bạn lâu ngày không được thay nước, vệ sinh bộ lọc hoặc có bộ lọc không đủ lớn thì chất lượng nước sẽ không được đảm bảo và cá sẽ thường xuyên bị bệnh. Khi thay nước thì bạn cần tránh việc thay quá nhiều nước một lần, không bao giờ được thay 50% nước của bể một lần. Nếu bạn nuôi cá ra bể riêng thì bạn cần phải sử dụng ít nhất là 60% nước từ bể cũ và 40% nước sạch được khử clo nếu cảm thấy chất lượng nước không được tốt.
Thêm muối vào bể chữa bệnh – Bạn có thể thêm muối vào nước để giúp cho cá cảm thấy thoải mái hơn. Lý do là bởi nếu độ mặn của nước cao hơn thì nước sẽ cân bằng lại so với độ mặn trong máu của cá và giúp cho cá đưa nước ra ngoài dễ hơn. Bạn chỉ nên pha khoảng 10g muối cho mỗi 10 lít nước và tránh cho muối trực tiếp vào bể chính.
Cho cá ăn các loại thức ăn tươi và khô chất lượng tốt – Bằng cách cho cá ăn chế độ ăn giàu dinh dưỡng và đa dạng như artemia, trùn chỉ, bo bo và các loại thức ăn khô chất lượng thì bạn có thể giúp cung cấp cho cá đủ dinh dưỡng cần thiết giúp hệ miễn dịch của cá nhanh hồi phục.
Sử dụng kháng sinh – Trong trường hợp cá bị bệnh do vi khuẩn thì bạn có thể sử dụng kháng sinh cho cá để điều trị. Nếu phải sử dụng kháng sinh thì trước tiên bạn hãy tham khảo ý kiến từ các cửa hàng cá cảnh uy tín. Để điều trị bệnh xù vảy thì bạn hãy sử dụng các loại kháng sinh cho vi khuẩn gram âm hoặc kháng sinh phổ rộng cho cá và làm theo đúng liều lượng cũng như thời gian theo hướng dẫn.