aquasetup

23 loại cây thủy sinh đẹp, dễ trồng, không cần CO2

Mục lục

Hồi trước khi mình mới làm bể thủy sinh, nhìn thấy vô vàn các loài cây đẹp. Khi đó cứ mua thử hết về và trồng, tuy nhiên, chúng gần như bị chết hết. Sau mình mới biết rằng một số loại cây phải cần đến CO2 để sống và phát triển được.

Bạn đang muốn làm một bể cá đơn giản, không cần CO2? May mắn cho bạn là có rất nhiều loài cây sống khỏe, không cần chăm sóc nhiều, và không cần thiết phải sử dụng đến bình khí CO2 để nuôi. Trong bài viết này mình sẽ tổng hợp lại danh sách các loài cây đó, chia ra các mục như là cây tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh để bạn có thể dễ dàng chọn lựa.

Tiền cảnh

1. Cỏ thìa

Cây thủy sinh không cần CO2

Đây là loại cây đầu tiên mình từng nuôi khi làm bể cá. Lúc đó còn chưa hề biết là bể phải có đèn thủy sinh chuyên dụng và đương nhiên là cũng không biết bể cá cần phải có CO2. Lúc đó mình còn trồng thêm nhiều loại cây khác và chúng đều chết dần. Duy nhất chỉ còn cây cỏ thìa (lazada) là vẫn sống và thậm chí là mọc lan ra khắp bể, mọc khắp nơi và mọc cao đến mức gần chạm mặt nước. 

Nếu bạn muốn trồng một thảm cỏ xanh trong bể thì cỏ thìa là lựa chọn hoàn hảo. Bạn chỉ cần trồng chúng xuống một bộ nền đủ dày (khoảng 3-4cm là được) là cây sẽ tự mọc rễ và lan rất nhanh. Cây có bộ rễ khỏe và sẽ lan rất sâu, rộng xuống nền nên khi nhổ gốc cây bạn có thể sẽ làm hỏng nền nếu không cẩn thận. 

Cây nếu trồng trong điều kiện ánh sáng thấp sẽ mọc khá cao, nếu có ánh sáng tốt hơn thì cây sẽ thấp hơn và ra nhánh dày hơn. 

2. Tiêu thảo

Cây thủy sinh không cần CO2

Tiêu thảo (lazada) là một họ gồm rất nhiều loài cây khác nhau, một số khá rẻ, nhưng một số loại khác thì lại vô cùng đắt, có thể lên tới trăm nghìn một cụm như là tiêu thảo nuri, tiêu thảo tiger, flamingo,…  Tuy nhiên, hầu hết thì các loại tiêu thảo đều rất dễ trồng mà không yêu cầu quá cao về ánh sáng, chúng cũng không hề cần CO2 để sống (trừ tiêu thảo flamingo).

Loài tiêu thảo phổ biến nhất là tiêu thảo xanh.

Tiêu thảo xanh sống khỏe và sẽ phát triển cao trong điều kiện ánh sáng thấp. Cây thường sẽ mọc thành bụi hơn là mọc lan ra giống như là cỏ thìa. Bạn có thể sử dụng cỏ thìa để trồng trung cảnh, khi cây mọc cao lên thì cũng sẽ tạo thêm chỗ trốn cho cá và tép cảnh. 

3. Tiêu thảo parva

Cây thủy sinh không cần CO2

Tiêu thảo parva (lazada) là một trong những loài tiêu thảo có lá bé nhất và có thể được trồng ở tiền cảnh trong điều kiện không có CO2. Giống như các loại tiêu thảo khác, tiêu thảo parva là loài sống khỏe và có thể mọc thành những thảm có xanh mướt nếu bạn cho chúng đủ thời gian. 

Chúng không cần nhiều ánh sáng nên bạn không cần phải có một chiếc đèn quá tốt. Điểm trừ là tiêu thảo parva là loài cây phát triển chậm hơn so với các loài cây khác. 

Bạn có thể trồng tiêu thảo parva trong mọi loại nền khác nhau, từ nền sỏi cho đến nền cát. Bạn lưu ý rằng nếu bộ nền hết dưỡng thì tốc độ lớn của cây cũng chậm lại. Trong trường hợp này thì bạn cần phải bổ sung thêm phân nhét hoặc phân nước. 

4. Cỏ đậu nành

Cây thủy sinh không cần CO2

Cỏ đậu nành là loài cây nhỏ, mọc tiền cảnh và có thể phát triển thành bụi cỏ đẹp kể cả khi không có CO2. Chúng là loài cây phát triển chậm, có thể phát triển kể cả khi không có nhiều ánh sáng cũng như CO2. 

Tuy nhiên, cây vẫn cần một bộ nền nhiều dưỡng để có thể phát triển và mọc lan tốt. Nếu Bạn định trồng chúng trong nền cát thì bạn phải bổ sung nhiều phân nhét hoặc phân nước để bù đắp lại dinh dưỡng thiếu hụt trong nền. 

Dù có thể sống trong điều kiện ánh sáng thấp nhưng bạn cũng cần phải cho cây nhiều ánh sáng để chúng mọc thấp và mọc lan hơn. Nếu ánh sáng yếu thì cây sẽ mọc thưa thớt và mọc cao hơn. 

Trung cảnh

5. Dương xỉ java

Cây thủy sinh không cần CO2

Xương xỉ java (lazada) là một loài cây có thể phát triển tốt dưới điều kiện ánh sáng thấp. Thực ra thì chúng sẽ chết nếu bạn chiếu sáng quá mạnh. Nếu bạn đang tìm kiếm loài cây không cần phải chăm sóc nhiều thì bạn có thể xem xét trồng dương xỉ java. Cây sẽ không yêu cầu cao về dinh dưỡng và các điều kiện chăm sóc khác, bạn chỉ cần cho cây nước hơi mát một tẹo là chúng sẽ phát triển rất nhanh và mạnh. 

Bạn cũng có thể trồng cây ở nhiều chỗ khác nhau trong bể, như là dính vào đá hoặc gỗ, trồng ở phía sau hoặc ở giữa bể. Giống như ráy và bucep, nếu bạn trồng gốc cây xuống dưới nền thì gốc sẽ bị rữa và cây sẽ chết nên bạn cần tránh làm vậy. 

6. Huyết tâm lan mini

Cây thủy sinh không cần CO2

Bạn có thể xem xét trồng loại huyết tâm lan mini (lazada) – loại cây nhỏ và có màu đỏ hơn so với huyết tâm lan thường. Với ánh sáng mạnh thì loài cây này cũng sẽ mọc thành bụi rậm với màu sắc rực rỡ hơn. Cây có cao tầm 10cm. Bạn có thể cân nhắc sử dụng cây để trồng tiền cảnh nếu có bể to và bạn có thể cắt tỉa chúng thường xuyên, hoặc tốt nhất là trồng trung cảnh. 

Huyết tâm lan là loài cây màu đỏ có thể sống tốt và vẫn lên được màu đỏ kể cả trong những bể không có CO2. Tuy nhiên, khi nuôi trong bể không có CO2 thì màu sắc đỏ của cây cũng bị nhạt hơn. Phần dưới lá cây trong trường hợp này vẫn sẽ giữ được màu đỏ. Trong khi đó, phần mặt lá sẽ cần ánh sáng mạnh và dinh dưỡng tốt hơn để có thể lên được màu đỏ đậm. 

Chúng là loài cây phát triển tương đối chậm, dễ bị rêu hại tấn công. Vậy nên đi kèm với việc tăng cường sáng để cây lên màu thì bạn cũng cần phải để ý kỹ vấn đề về rêu hại. 

Hậu cảnh

7. Tiểu bảo tháp

Cây thủy sinh không cần CO2

Tiểu bảo tháp (lazada) là loại cây cắt cắm phù hợp dành cho những người mới nuôi cá bởi nó sống khỏe, phát triển nhanh, có thể thích nghi với nhiều loại môi trường khác nhau. Hơn hết nữa là tiểu bảo tháp không cần nhiều ánh sáng cũng như CO2 để phát triển.

Nếu chiếu sáng với cường độ ánh sáng cao thì cây sẽ mọc thấp và phát triển bò dưới nền. Khi trồng trong môi trường ánh sáng thấp thì cây sẽ nhanh chóng mọc cao lên tới mặt nước vậy nên bạn sẽ cần phải cắt tỉa thường xuyên để cho bụi tiểu bảo tháp đẹp hơn. 

Tiểu báo tháp cũng giúp hút dinh dưỡng dư thừa từ phân cá, giúp hạn chế được vấn đề về rêu hại và đồng thời giúp bạn đỡ phải thay nước thường xuyên hơn. 

8. Vảy ốc 

Cây thủy sinh không cần CO2

Vảy ốc (lazada) là lựa chọn đầu tiên của nhiều người khi họ định trồng một bể phong cách hà lan. Loài cây này có nhiều màu sắc khác nhau, bạn có thể mua được vảy ốc đỏ, vảy ốc cam,… và phổ biến nhất cũng như dễ sống nhất là loại vảy ốc xanh. Vảy ốc xanh và các loại vảy ốc khác nói chung là loại cây có lá nhỏ, nếu được cắt tỉa tốt sẽ mọc thành những bụi vô cùng đẹp. Chúng có thể sống được mà không cần nhiều ánh sáng cũng như CO2. 

Tuy nhiên nếu bạn cho cây nhiều ánh sáng thì các loại vảy ốc như là đỏ và cam sẽ lên màu tốt hơn. 

9. Rong đuôi chó

Cây thủy sinh không cần CO2

Bạn đang tìm kiếm một loại cây còn dễ trồng hơn nữa, chỉ cần thả vào nước là nó cũng tự sống được? Rong đuôi chó (lazada) là câu trả lời cho bạn. Vấn đề duy nhất bạn sẽ gặp phải khi trồng loại cây này là bạn sẽ phải cắt tỉa thường xuyên bởi rong đuôi chó mọc và phát triển rất nhanh. 

Rong đuôi chó là loài cây hoàn hảo cho những bể cá đẻ, những tán lá của cây có thể làm chỗ trốn cho cá con khỏi cá bố mẹ hoặc các loài cá khác. 

Mặc dù nhìn đẹp nhưng mà bạn cũng cần lưu ý một số điều khi nuôi rong đuôi chó với một số loại cây khác. Rong đuôi chó lớn nhanh và sẽ hút hết dinh dưỡng và có thể cũng che ánh sáng của một số loại cây phía dưới. Nhiều người cũng nói rằng trồng rong đuôi chó trong bể thì thấy một số loài cây khác phát triển chậm lại. 

10. Rong la hán (Cabomba)

Cây thủy sinh không cần CO2

Rong la hán (lazada) sẽ không có nhánh mọc thành cụm tròn như rong đuôi chồn, thay vì đó chỉ mọc thành các đốt gồm hai nhánh.

Rong la hán là một loại rong dễ trồng khác, cây thường được trồng để tạo chỗ trú cho cá hoặc để che sáng bởi rong la hán có thể mọc thành những bụi vô cùng to. 

Mặc dù dễ trồng nhưng rong la hán sẽ có yêu cầu cao hơn về điều kiện sống hơn so với rong đuôi chồn. Nó cần điều kiện nước sạch và chiếu sáng trung bình hoặc nhiều. 

Rong la hán có thể được trồng xuống dưới nền hoặc thả nổi nếu bạn muốn. 

Bạn cần lưu ý rằng ánh sáng rất quan trọng đối với rong la hán. Trong những bể chiếu sáng ít, rong la hán có thể sẽ chỉ đẹp trong vài ngày đầu và bắt đầu rữa dần, sau đó cuối cùng cây sẽ chết. Nếu bạn trồng các loại rong la hán đỏ hoặc tím thì nhu cầu ánh sáng của chúng còn cao hơn nữa. Đây là lý do loài cây này rất phù hợp để được trồng ngoài trời. 

11. Rong đuôi chó cứng (Elodea)

Cây thủy sinh không cần CO2

Loại rong kế tiếp mình muốn nhắc đến đó là rong đuôi chó cứng. Bạn có thể dễ dàng phân biệt loại rong này so với các loại rong bên trên bởi lá của chúng dày, to và cứng hơn nhiều. 

Nó mọc nhanh và khỏe, bạn có thể thả nổi loại rong này trong bể để chúng giúp hấp thụ lượng dinh dưỡng và ánh sáng trong bể để hạn chế vấn đề về rêu hại. 

Mình nhắc lại rằng chúng lớn rất nhanh, khi bạn mới cho cây vào bể thì chúng sẽ lớn liên tục và tạo thành các bụi to. Một khi bể cạn dinh dưỡng thì cây cũng sẽ lớn chậm lại. 

Khi đó bạn sẽ phải lựa chọn giữa việc thêm phân nước cho bể để giúp các loài cây lớn nhanh phát triển hoặc chuyển sang các loại cây lớn chậm hơn như là ráy, dương xỉ hoặc bucep. 

12. Cây thủy cúc

Cây thủy sinh không cần CO2

Ai nói rằng bạn không thể trồng những cây lá đẹp nếu không có CO2 và ánh sáng? Cây thủy cúc (lazada) là ví dụ tuyệt vời chứng minh ngược lại. Cây thủy sinh có thể được trồng và tạo bố cục cho nhiều loại bể với nhiều phong cách khác nhau tùy theo sở thích khác nhau. 

Bạn lưu ý là cây thủy cúc sẽ nhìn đẹp trong những bể cá to hơn bởi cây có thể mọc cao và rộng, lá cây cũng mọc thành các tán lớn. 

Dù cho việc chăm sóc cây sẽ dễ nhưng bạn cần lưu ý rằng lá cây sẽ dễ bị rữa khi bạn mua và mới trồng nó vào trong bể. Nhưng một khi cây đã qua giai đoạn đó thì lá non sẽ mọc lên rất nhanh.

13. Diệp tài hồng lá táo

Cây thủy sinh không cần CO2

Diệp tài hồng lá táo (lazada) là một loại cây cắt cắm dễ trồng khác, kể cả đối với những người mới nuôi cá. Cây không cần nhiều ánh sáng và không cần CO2. Tuy nhiên, nếu bạn có thể cho cây nhiều ánh sáng hơn thì cây sẽ mọc thành các bụi dày và lên màu đẹp hơn. 

Cây có thể cung cấp sắc đỏ cho bể của bạn trong trường hợp bể bạn đang có quá nhiều cây xanh và đang cần thêm một ít màu sắc. 

Cây dán lũa/đá

14. Ráy

Cây thủy sinh không cần CO2

Ráy (lazada) có thể sống trong điều kiện ánh sáng thấp và không cần CO2 để sống. Thật ra là để giết ráy còn khó hơn cả việc nuôi chúng sống. Loài cây này có thể sống trong gần như mọi điều kiện bể. Lá cây cứng của cây còn giúp cho cây còn giúp ngăn các loài cá như cá vàng, cá cichlid rỉa lá. 

Bạn chỉ cần phải cho chúng chỗ để bám và phát triển rễ là được, sau đó việc chăm sóc ráy sẽ vô cùng đơn giản. Nếu trồng ráy trực tiếp xuống nền bể thì thân của chúng sẽ bị thối và rữa, vậy nên bạn cần tránh làm vậy. Tuy vậy, nếu trồng lâu thì rễ của ráy vẫn sẽ tự động phát triển dài ra và mọc xuống dưới nền bể để hút dinh dưỡng từ nền. 

Ráy cũng có rất nhiều loại khác nhau để bạn chọn như là: 

  • Ráy lá lớn
  • Ráy lá dài
  • Ráy nana
  • Ráy cà phê
  • Ráy lưỡi hổ

15. Ráy nana 

Cây thủy sinh không cần CO2

Ráy nana là phiên bản nhỏ hơn của ráy thường hay ráy lá to. 

Lá của chúng nhỏ hơn rất nhiều, phù hợp để trồng trong những bể cá mini. Về độ khỏe và điều kiện sống thì gần như mọi loài ráy đều tương tự nhau. 

Thậm chí có một số người còn trồng cả bể chỉ với ráy nana. Khi được trồng thành bụi lớn thì cây sẽ mọc lan ra khắp nơi, tạo thành thảm ráy xanh mướt. 

Một lần nữa mình nhắc lại là chúng không cần ánh sáng mạnh và bạn nên thêm phân nước cho cây khi bể cạn dưỡng. 

16. Dương xỉ sừng hươu

Cây thủy sinh không cần CO2

Bạn cũng có thể dễ dàng tìm được dương xỉ sừng hươu (lazada) ở các cửa hàng thủy sinh bởi chúng là loài cây khá phổ biến. Dương xỉ sừng hươu là loài phát triển chậm, sống khỏe. Nếu bạn cho nó môi trường sống tốt thì theo thời gian cây sẽ có thể mọc lan khắp bể. 

Để trồng cây mà không sử dụng đất nền thì bạn cần phải buộc hoặc dán cây vào lũa hoẵ đá. 

Dương xỉ sừng hươu sẽ sống khỏe hơn nếu được thêm phân nước mỗi tuần để kích thích cây ra rế. Dương xỉ sừng hươu không cần nhiều ánh sáng cũng như CO2 để sống. Tuy nhiên nếu bạn cho cây nước mát cộng với CO2 thì cây sẽ phát triển nhanh hơn rất nhiều. 

17. Bucep

Cây thủy sinh không cần CO2

Bucep (lazada) cũng gần tương tự giống như là ráy, chúng là loại cây gắn lũa, đá, bucep có thể phát triển bộ rễ dài để giúp chúng bám được vào các bề mặt ở trong bể. Bucep cũng là một loại cây sống khỏe mà bạn có thể trồng trong điều kiện ánh sáng thấp và cũng không cần thiết phải sử dụng CO2. 

Tuy nhiên theo kinh nghiệm của mình thì Bucep có lẽ yếu hơn so với ráy một tẹo (quan điểm cá nhân thôi) và chúng cũng sẽ phát triển chậm hơn ráy một ít khi trồng trong bể ánh sáng thấp. Tuy vậy chúng vẫn có thể sống tốt và thậm chỉ thỉnh thoảng bucep cũng ra hoa dưới nước nếu điều kiện hợp lý. 

18. Rêu java

Cây thủy sinh không cần CO2

Rêu java hay bất kì loại rêu thủy sinh (lazada) nào khác đều là loại thực vật phát triển tốt trong môi trường ánh sáng tốt và nước mát. Nếu có thêm CO2 thì rêu sẽ phát triển nhanh hơn nhưng mà không có cũng không sao. 

Trong các loại thì mình thấy rêu java có lẽ là loại rêu phát triển nhanh và mạnh nhất. Khi trồng rêu java thì bạn cũng nên cắt tỉa chúng thường xuyên để rêu tạo thành các bụi đẹp mắt. Rêu cũng có thể được dùng để tạo tán cây bonsai nếu bạn muốn. 

Ngoài rêu java thì còn có thêm một số loại rêu phổ biến, dễ trồng khác như là:

  • Rêu weeping
  • Rêu mini taiwan
  • Rêu flame
  • Rêu pelia

Xem thêm: Các loại rêu thủy sinh

19. Rêu Christmas

Cây thủy sinh không cần CO2

Rêu christmas cũng là một loại rêu phổ biến trong số các loại rêu. Chúng có tên như vậy nhờ vào hình dáng lá mọc trông giống như là những cây thông bé tí hon. 

Rêu christmas hoặc các loại rêu khác là loài cây hoàn hảo cho những bể nuôi tép hoặc có cá con. Những bụi to và tán rêu là chỗ trú lý tưởng của tép và cá khỏi những con cá săn mồi lớn hơn. 

20. Rêu mini pelia

Cây thủy sinh không cần CO2

Rêu mini pelia là một loài rêu có hình dáng độc đáo khác, nó dễ trồng và nên được dán và đá hoặc rêu để rêu có thể có chỗ bám để phát triển. 

Rêu mini pelia là loại rêu phát triển nhanh, ít bị rêu hại tấn công. Bạn chỉ cho rêu nước sạch và mát là rêu có thể nhanh chóng mọc lan khắp bể. 

Cây thả nổi

21. Tảo cầu marimo

Cây thủy sinh không cần CO2

Có một đợt mình còn tưởng loài cây này là cây giả bởi ngoại hình kì lạ của chúng. Ít ai có thể nghĩ rằng rêu có thể mọc thành những cụm tròn hoàn hào như vậy và thậm chí cây còn có thể sống được trong mọi môi trường khác nhau, không cần nhiều ánh sáng và CO2, thậm chí cây cũng có thể sống được kể cả trong những cốc nước đậy kín . 

Bạn có thể cân nhắc mua tảo cầu (lazada) khi bạn nuôi tép bởi chúng thích bơi lên trên tảo cầu và kiếm thức ăn trên đó. 

Tảo cầu được bán với nhiều kích thước khác nhau, chúng lớn chậm nhưng sẽ có lớn. Bạn cũng có thể nhân giống tảo cầu nếu muốn. 

Bạn cần lưu ý rằng bạn nên thỉnh thoảng lật viên tảo lại để các mặt được chiếu sáng đầy đủ, tránh cho việc một bên được chiếu sáng nhiều và bên còn lại màu bị nhạt đi do không có ánh sáng.

22. Bèo nhật 

Cây thủy sinh không cần CO2

Bèo nhật (lazada) hay còn được gọi là bèo rễ dài là một loài cây bạn có thể dễ dàng trồng nếu bể có ánh sáng cao. Bèo nhật nói riêng và các loại bèo nói chung đều không cần đất nền và CO2 để sống. 

Loại bèo này rất dễ sinh sản, nếu điều kiện môi trường thuận lợi thì chỉ cần một cây bèo cũng đủ để sinh sản khắp bể của bạn. Khi đó rễ của nó cũng mọc dài ra, có thể dài đến hơn 20cm, nếu bạn có những bể cá thấp thì rễ bèo sẽ mọc rài xuống dưới nền và hút dinh dưỡng từ đó. 

Bèo nhật thích ánh sáng cao và nước chảy chậm nên phù hợp để trồng tại các chậu cá ngoài trời hơn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể trồng nó trong bể cá trong nhà nếu muốn. 

23. Bèo rễ đỏ

Cây thủy sinh không cần CO2

Bèo rễ đỏ (lazada) là loại bèo phổ biến để nuôi trong bể cá hơn so với bèo nhật. Chúng có bộ rễ rộng to và có màu đỏ giống như tên gọi vậy. Không chỉ rễ mà lá của bèo cũng có thể chuyển đỏ nếu có điều kiện ánh sáng tốt. 

Loại bèo này cũng có khả năng sống khỏe, có thể nhanh chóng lan ra khắp bể của bạn trong khoảng thời gian ngắn.  Bèo rễ đỏ phù hợp để trồng trong các loại bể có dòng chảy chậm và ít động trên mặt nước. 

Các loại bèo nói chung đều giúp hút dinh dưỡng dư thừa trong nước, xử lý được vấn đề về rêu hại và cung cấp chỗ trú ẩn cho các loài tép và cá nhỏ. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *