Cá betta nổi tiếng là loài cá có bộ vây dài, sặc sỡ, cũng chính vì thế mà chúng dễ bị rách vây và đuôi hơn các loài cá khác. Trong một số trường hợp, vây và đuôi của chúng sẽ có thể tự lành lại mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi bệnh tình cá bị quá nặng, cá sẽ bị stress. Khi điều kiện nước xấu cộng với sức khỏe cá không tốt thì vết rách có thể bị nhiễm trùng. Nếu bạn đang nuôi cá betta thì bạn cần biết cách để nhận biết dấu hiệu vây đuôi cá bị rách sớm và biết cách kịp thời điều trị.
Lý do vây và đuôi cá bị rách
Cá betta có thể bị rách đuôi do nhiều nguyên nhân, cụ thể là:
Vật nhọn trang trí trong bể
Nếu bạn có vật nhọn trong bể như đá, gỗ hoặc các đồ trang trí khác, đó có thể là nguyên nhân khiến cho cá bị rách vây, đuôi. Do vây của cá betta quá dài nên nhiều khi chúng bị mắc vào các vật nhọn trong bể.
Vây, đuôi bị cắn
Cá betta có thể tự cắn đuôi của chính mình. Có nhiều lý do cho hành động này, chúng có thể bị stress, bị khiêu khích quá mức hoặc chỉ bị chán.
Vây và đuôi bị rách trong trường hợp này thường sẽ lành lại nhanh. Đôi khi bạn thậm chí có thể thấy một nửa đuôi của chúng biến mất chỉ trong vòng một đêm.
Nếu bạn nhận thấy cá betta đang tự cắn đuôi thì bạn cần tìm cách ngăn chúng lại nhanh nhất có thể. Cá betta tự cắn đuôi là do chúng bị stress hoặc chán. Bạn có thể cho thêm cây cối hoặc đồ trang trí vào bể để chúng khám phá và giảm thiểu khả năng chúng tự cắn đuôi do buồn chán. Bạn cũng nên để ý các nguyên nhân có thể gây stress cá như thay đổi môi trường sống, cá nhìn thấy hình phản chiếu hoặc thay đổi chế độ ăn để có sự điều chỉnh phù hợp.
Ngoài ra, cá betta có thể bị cá cùng bể cắn đuôi. Nếu bạn nuôi chung cá betta với cá khác thì hãy để ý xem chúng có tấn công cá betta không. Một số loài cá nhỏ có thể rỉa vây cá betta khi chúng được nuôi chung.
Thối vây
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho cá betta bị rách vây và đuôi là chúng bị thối vây. Thối vây do vây cá bị nhiễm trùng và vi khuẩn sẽ ăn dần dần ăn hết đuôi cá.
Nếu bạn để tình trạng tiếp diễn khi bệnh lan đến thân cá, điều trị cho cá betta sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Đặc điểm nhận dạng của vây bị thối là chúng nhìn như bị lở loét, có thể sẽ có viền trắng xung quanh hoặc có viền màu khác.
Cách để dưỡng cá betta bị rách vây, đuôi
Một khi bạn đã phát hiện ra nguyên nhân khiến cho cá betta bị rách vây thì bước tiếp theo bạn cần làm là tìm cách chữa trị cho chúng. Nếu chúng không bị rách do nhiễm trùng thì bạn có thể để yên và chúng sẽ tự khỏi sau một khoảng thời gian. Vây cá sẽ tự khỏi miễn là bạn giữ cho bể sạch và thay nước đều đặn.
Tuy nhiên nếu bạn muốn đẩy nhanh quá trình giúp cho chúng lành vây thì dưới là các cách để dưỡng cho cá betta lành vây một cách nhanh nhất.
Giữ cho chất lượng nước tốt
Một điều quan trọng bạn phải nhớ không phải chỉ khi dưỡng cá betta bị rách vây mà bất kì lúc nào, bạn cũng phải đảm bảo nước nuôi cá trong tình trạng tốt. Khi cá betta bị rách vây, chúng sẽ rất dễ bị nhiễm trùng.
Để giữ cho nước trong tình trạng tốt thì bạn cần phải thay nước đều đặn, lượng nước thay nên là khoảng 10% mỗi ngày trong thời gian này. Bạn nên sử dụng các loại ống hút cặn bể để vừa hút phân, thức ăn thừa bể cá và thay nước cùng một lúc.
Bạn cũng nên test nước nếu có thể để đảm bảo không có amoniac trong bể cá.
Cuối cùng, đảm bảo bể của bạn phù hợp để nuôi cá betta. Nhiều nơi nói rằng bạn có thể nuôi cá betta trong chậu cá bé tầm 3-4 lít. Tuy rằng cá betta có thể sống được trong không gian bé nhưng mà để cá có thể khỏe mạnh nhất, bạn nên nuôi chúng trong bể 15 lít hoặc lớn hơn. Bể nuôi cá betta cần có lọc nước và nhiều chỗ để cá có thể trốn.
Nếu bạn không cung cấp được môi trường sống lý tưởng cho chúng thì cá sẽ rất dễ bị stress. Khi đó chúng sẽ tự cắn đuôi hoặc hệ miễn dịch của cá bị suy giảm, dẫn đến vây bị thối cùng với nhiều loại bệnh khác.
Hơn nữa, thông số nước trong bể bé sẽ không ổn định. Bể càng to thì môi trường sống của cá sẽ càng ổn định hơn.
Ngâm nước lá bàng
Bạn có thể sử dụng lá bàng sấy khô để ngâm vào bể nuôi cá. Nếu không có điều kiện để đi kiếm lá khô thì bạn có thể mua nước cốt là bàng tại đây.
Lá bàng khô khi được ngâm sẽ nhả ra tannin vào nước và khiến cho nước có màu vàng hoặc nâu. Lá bàng có công dụng chống nhiễm khuẩn tuyệt vời và nhiều người nuôi cá betta đã và đang sử dụng lá bàng để dưỡng và chăm sóc cho cá.
Ngoài công dụng chống nhiễm khuẩn thì lá bàng còn có khả năng mô phỏng lại môi trường sống tự nhiên của cá betta, giúp cho chúng cảm thấy thoải mái hơn và từ đó đẩy nhanh được quá trình lành đuôi cũng như hệ miễn dịch của cá.
Cho cá ăn các loại thức ăn tươi
Cho chúng ăn thức ăn tươi không đảm bảo 100% cá betta sẽ khỏi bệnh. Thay vì đó, thức ăn tươi sống sẽ gián tiếp chữa trị cho cá bằng cách cung cấp cho chúng các dưỡng chất cần thiết để đẩy mạnh quá trình lành vây và đuôi.
Sử dụng thuốc
Bạn có thể sử dụng API Stress Coat để giúp khử độc nước, kích thích cá ăn và giúp cá hồi phục nhanh hơn.
Bạn chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi đó là biện pháp cuối cùng và bạn cảm thấy đuôi cá đang bị nhiễm khuẩn quá nặng đến mức cá không thể tự khỏi được. Bạn hãy tham khảo ý kiến của các cửa hàng cá cảnh để mua được thuốc cho cá phù hợp
Tắm muối cho cá
Bạn cần lưu ý rằng không nên cho trực tiếp muối vào bể
Xem thêm: Tại sao bạn không cho muối trực tiếp vào bể cá
Cách tắm muối cho cá:
Chuẩn bị một chậu nước, cho 2 thìa cà phê muối cho mỗi lít nước, đảm bảo độ mặn ở ngưỡng từ 1,5 đến 3%. Một khi muối đã hòa tan hết thì hãy cho cá vào trong chậu trong vòng 30 phút. Bạn nên sử dụng nước từ bể cá để tránh tình trạng sốc nước.
Hãy quan sát cá một cách kỹ lưỡng trong toàn bộ quá trình. Nếu cá có dấu hiệu stress thì hãy trả cá lại trong bể cũ. Bạn nên sử dụng thêm lọc khí trong bể muối để đảm bảo cá có đủ lượng oxy cần thiết.
Đuôi cá betta có mọc lại được không?
Đuôi cá betta có khả năng tự mọc lại theo thời gian và trong trường hợp bạn cung cấp cho chúng đủ dinh dưỡng cần thiết.
Điểm khác biệt giữa cá bị cắn đuôi và thối đuôi là gì?
Cá bị thối đuôi thì phía ngoài cùng của đuôi sẽ không đều và có lớp màng, đuôi cũng có thể bị lỗ.
Đuôi bị cắn sẽ nhìn gọn hơn bởi các loại cá thường sẽ cắn phần đuôi mọc thừa ra ngoài.
Kết luận
Việc di chuyển chúng có thể khiến vây và đuôi chúng bị rách. Hoặc cũng có thể chúng bị các con cá khác cắn, tình trạng nước xấu với nước lạnh có thể khiến cho cá bị thối vây và đuôi. Bạn cần xác định sớm nguyên nhân khiến cá bị rách đuôi và đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp trước khi tình diễn biến tệ hơn.